Đây là hội nghị gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô lớn nhất từ trước đến nay của Hà Nội, là diễn đàn để lãnh đạo TP lắng nghe các ý kiến của DN, đại diện các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… đóng góp cho cơ chế, chính sách của TP trong việc hỗ trợ phát triển các DN khởi nghiệp đạt hiệu quả hơn.
Theo số liệu thống kê từ Sở KH&ĐT Hà Nội, trong 7 tháng qua, số lượng các DN đăng ký thành lập mới là 16.700 DN, đồng thời theo con số thống kê không chính thức, hiện Hà Nội có khoảng trên 800 DN khởi nghiệp, phần lớn là các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hành lang pháp lý cho vấn đề khởi nghiệp của Việt Nam còn khá mới mẻ và có không ít bất cập cần Chính phủ cởi gỡ. Theo Chủ tịch VIET Management Group Trịnh Minh Giang, đã đến lúc cần chính thức hóa việc dịch chuyển Quỹ đầu tư khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo lên các phương tiện thông tin chính thống, điều này giúp giới khởi nghiệp không chỉ của Việt Nam mà các nước có thể tìm hiểu và trợ giúp cần thiết. Bởi thực tế hiện có nhiều DN vừa là công ty khởi nghiệp, vừa là nhà đầu tư vào DN khởi nghiệp khác nhưng vẫn chưa có những quy định cụ thể. Và trong danh mục đăng ký kinh doanh hiện nay chưa có vị trí dành cho loại hình công ty này.
Ở một khía cạnh khác, khi nói về vốn hỗ trợ DN khởi nghiệp, CEO của Moca (Ứng dụng thanh toán trực tuyến) Trần Thanh Nam cho rằng, trong lĩnh vực này, mặc dù vốn đầu tư theo khoản vay hoặc trái phiếu DN có thể chuyển đổi nhưng ở Việt Nam, DN khởi nghiệp không được phát hành trái phiếu. Chính vì điều này khiến nhiều DN đã phải tìm cách “lách” luật. Khi ký hợp đồng, theo thông lệ quốc tế phải căn cứ hợp đồng vốn góp, tuy nhiên hiện nhiều DN khởi nghiệp quy định khoản vay chuyển đổi vào hợp đồng khi ký kết giữa hai đối tác.
“Nếu DN khởi nghiệp hoạt động tốt trong 3 năm đầu thì Nhà nước nên khuyến khích có các chính sách hỗ trợ về vốn cho DN tiếp tục phát triển. Khi đó DN khởi nghiệp sẽ có nguồn lực vì có chi phí thấp hơn, bù đắp điểm yếu của thị trường lao động” - ông Nam đề xuất và kiến nghị, Chính phủ cần phát triển thêm các kênh huy động vốn cho DN khởi nghiệp, chú trọng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Nghiên cứu và triển khai sàn giao dịch chứng khoán dành cho các DN khởi nghiệp, giúp các DN huy động vốn trực tiếp từ xã hội.
Còn Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính thì đề nghị: “Chính phủ có thể xem xét cho phép thí điểm mô hình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh”. Đồng thời, việc thí điểm mô hình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho những TP tại Việt Nam nên xây dựng theo tiêu chuẩn ISO. Cùng với đó, Chính phủ cần xem xét, rà soát các văn bản luật và nghị định; dỡ bỏ những rào cản với DN, đặc biệt là DN tư nhân; tránh bất bình đẳng và tạo ra các giấy phép con mới, tạo cơ chế xin - cho, gây nhiều bất cập và tăng phí cho DN, nhất là DN khởi nghiệp.
Tại Hội nghị, có rất nhiều câu hỏi được gửi đến lãnh đạo TP Hà Nội, trong đó tập trung vào kiến nghị TP có giải pháp để giúp thủ tục đăng ký thành lập DN được nhanh hơn cũng như TP cần tổ chức nhiều hơn các cuộc đối thoại giữa DN với các sở, ngành của TP để DN hiểu hơn về chính sách của Nhà nước. Các DN cũng mong muốn TP hỗ trợ môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý để DN phát triển thuận lợi hơn.
Ghi nhận ý kiến của các DN, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP sẽ có trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp dành cho các dự án khởi nghiệp, trung tâm này sẽ có hội đồng gồm nhiều chuyên gia nhằm xem xét các ý tưởng khả thi, qua đó đề nghị TP hỗ trợ. Không những thế, TP còn tạo ra cổng thông tin về starup để cộng đồng khởi nghiệp tham gia chia sẻ thông tin, tìm kiếm điều kiện kết nối starup với nhau cũng như tìm kiếm cơ hội chia sẻ nội dung ý tưởng...