Hà Nội muốn dùng Luật Thủ đô để giải bài toán quá tải về hạ tầng

(PLO) - “Để các dự án triển khai nhanh, hiệu quả, thành phố phải xây dựng cơ chế để trình Chính phủ, Quốc hội xin cơ chế đặc thù. Bởi trong Luật Thủ đô, Hà Nội được quyền đề xuất với Nhà nước cho những cơ chế đặc biệt để giải quyết quá tải về hạ tầng” – Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nói.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận Hội nghị.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận Hội nghị.

Gỡ mắc về hạ tầng giao thông

Ngày 28/9, TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2016. Tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dành nhiều thời gian nói đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đô thị và đề án hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc trong nội đô.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, để tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng giao thông, thành phố phải tập trung vào phát triển tàu điện ngầm. Tuy nhiên, trong quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị, thì Hà Nội hiện nay mới triển khai được 3 tuyến, trong đó tuyến Cát Linh - Hà Đông đến sang năm 2017 sẽ hoàn thiện, tuyến Nhổn – ga Hà Nội đến cuối năm 2020 mới xong. Theo ông Hải, với 8 tuyến đường sắt như vậy là chưa đủ cho thành phố trên 10 triệu dân, do vậy Hà Nội phải tiếp tục quy hoạch thêm các tuyến mới.

“Để các dự án triển khai nhanh, hiệu quả, thành phố phải xây dựng cơ chế để trình Chính phủ, Quốc hội xin cơ chế đặc thù. Bởi trong Luật Thủ đô, Hà Nội được quyền đề xuất với nhà nước cho những cơ chế đặc biệt để giải quyết quá tải về hạ tầng”. – Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nói.

Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, đã đến lúc thành phố tính đến việc vận động người dân đồng thuận với việc đi xe ngày chẵn, ngày lẻ; đỗ xe bên chẵn, bên lẻ và kiểm soát phương tiện cá nhân, không chỉ xe máy mà cả ô tô. Vì nếu không thực hiện thì sẽ không thể đáp ứng được cho một đô thị lớn và đang tăng trưởng rất nhanh.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung Hải, thành phố phải đưa ra các giải pháp thực sự để kiểm tra việc quản lý phương tiện cá nhân.

Bí thư Thành ủy phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: DT
Bí thư Thành ủy phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: DT

Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu ra hàng loạt thách thức công tác giải phóng mặt bằng những năm tới, trong đó khối lượng công việc nhiều gấp đôi giai đoạn trước. Cụ thể, kế hoạch giải phóng mặt bằng giai đoạn này là 2.700 dự án, số người phải tái định cư là 1.900 hộ dân. Trong khi đó, ngân sách trong 5 năm tới cũng khó khăn hơn nhiều.

Do vậy, theo ông Hoàng Trung Hải nếu thành phố không có phương pháp mới, không có cách tiếp cận mới và không quyết tâm, quyết liệt thì rất “gay go”. Bởi 5 năm trước, Hà Nội đầu tư như vậy, nhưng hạ tầng chỉ tăng trưởng được 3,4%. Hiện nay, tăng trưởng dân số nhanh, Hà Nội đang chịu sức ép rất lớn về hạ tầng điều đó dẫn đến hàng loạt vấn đề như tắc đường, rác thải, nước thải.

“Đô thị ngày càng phát triển mạnh, rất nặng nề. Do vậy, nếu không xử lý quyết liệt thì sẽ bị những bất cập về đô thị tác động đến ổn định kinh tế - xã hội. Các đồng chí xem tắc đường 2 tiếng ở Cầu Tó, nhưng nếu không làm quyết liệt hơn nữa thì có thể lên đến 5 tiếng, thậm chí 8 tiếng. Anh Chung (Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cũng bàn với tôi là tới đây thành phố sẽ đầu tư cấp bách cho khu vực này”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Dự án trọng điểm chuyển từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước sang xã hội hóa

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, về triển khai 11 công trình trọng điểm, từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành 5 dự án. 6 dự án còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2017.

Với 40 dự án mới, trong tháng 10 tới, sẽ khởi công 11 dự án. 29 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, phấn đấu năm 2017 sẽ khởi công 10 dự án. Số dự án còn lại để sang năm 2018.

Thời gian qua, Ban cán sự UBND TP cùng các sở, ban, ngành đã sắp xếp, thu gọn lại các thủ tục, có những trường hợp từ thủ tục, hồ sơ 5 dự án gom lại thành 1 dự án; tập trung rà soát các dự án trọng điểm sử dụng đầu tư vốn của nhà nước. Ban đầu dự kiến số vốn đầu tư là trên 362.000 tỷ, sau đó đã thu gọn xuống còn hơn 267.000 tỷ. Trên 85.000 tỷ đã được chuyển từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước sang xã hội hoá.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội Nghị. Ảnh: HNM
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội Nghị. Ảnh: HNM

TP cũng đang rà soát để xin cơ chế đặc thù trên tinh thần Hà Nội được giao tiến hành hoàn toàn các trình tự thủ tục, đặc biệt đối với các dự án xử lý nước thải, rác thải, cung cấp nước, dự án cầu... và sơ bộ, hiện nay đã nhận được sự đồng tình của các Bộ.

"Với những việc đã thực hiện và tiến độ đạt được, đến nay, về cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, đạt mục tiêu  hoàn thành 5  dự án trọng điểm" - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng nêu thêm một số việc TP sẽ triển khai từ nay đến cuối năm như xử lý nước ao hồ. Theo thống kê, cả trong ngoại thành và nội thành hiện có gần 1.800 hồ ô nhiễm nặng. Trong quý IV tới, TP sẽ xử lý quyết liệt với các hồ đã quá ô nhiễm. 

Về triển khai dự án cấp nước cấp bách trong mùa khô với các dự án cấp 30.000m3 nước/ngày-đêm của Nhà máy nước sạch Hà Đông; dự án cấp 150.000m3 nước/ngày-đêm của Công ty cấp nước số 2 và dự án cấp nước cho 4.000 dân tại Nam Sơn, Sóc Sơn... Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị lãnh đạo các quận, huyện giúp BQL dự án triển khai mạng cấp nước. Hiện có 16 doanh nghiệp xin đầu tư xã hội hoá lắp đặt hệ thống mạng cấp nước tại Quốc Oai, Thạch Thất...

Đọc thêm