Hà Nội: Phát huy truyền thống, vững bước đi lên

(PLVN) - Giải phóng Thủ đô là một sự kiện lịch sử, mở ra thời kỳ phát triển mới của TP Hà Nội và đất nước. 69 năm sau mốc son chói lọi đó, Thủ đô Hà Nội luôn phát huy truyền thống lịch sử vươn lên mạnh mẽ cả về thế và lực, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Hạ tầng đô thị Hà Nội ngày càng được đầu tư phát triển tăng cường kết nối phát triển. Ảnh: Báo Hanoimoi.
Hạ tầng đô thị Hà Nội ngày càng được đầu tư phát triển tăng cường kết nối phát triển. Ảnh: Báo Hanoimoi.

Mốc son lịch sử

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân Thủ đô Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong không khí hòa bình để xây dựng, phát triển.

Thế nhưng, thực dân Pháp dưới sự ủng hộ của đế quốc Mỹ, đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ (23-9-1945) và phát động chiến tranh ra cả nước.

Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay trong đêm 19/12/1946, quân và dân Hà Nội đồng loạt nổ súng vào các vị trí đóng quân của thực dân Pháp trong TP, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, tự do của quân và dân ta trên phạm vi cả nước.

Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sau 60 ngày đêm chiến đấu ngoan cường trong lòng Thủ đô Hà Nội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy Chiến khu XI và được sự chi viện, tiếp tế của quân và dân ngoại thành, lực lượng vũ trang Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chặn đứng ý định của thực dân Pháp đánh chiếm và làm chủ TP trong vòng 24 giờ, bước đầu đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng.

Đêm 17/12/1947, Trung đoàn Thủ đô đã tổ chức cuộc rút lui an toàn qua sông Hồng, sông Đuống trước sự bao vây gắt gao của địch, bảo toàn lực lượng để tiếp tục chiến đấu lâu dài.

Tính từ thời điểm này, Thủ đô bị thực dân Pháp chiếm đóng, song quân và dân Hà Nội (những người ở lại) đã kiên cường bám trụ, tiến hành chiến tranh nhân dân trên toàn địa bàn TP.

Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (20-7-1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng, quân và dân Hà Nội đã chủ động chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô.

16h00 ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên, quân và dân ta hoàn toàn kiểm soát TP.

Tối cùng ngày, mọi nhà đều để đèn sáng. Người dân Hà Nội không ngủ mà thức để chờ đón một ngày mới.

Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Hà Nội và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Thủ đô.

Trên các ngả đường đoàn quân diễu binh đi qua, nhân dân Hà Nội dâng hoa, cờ, ảnh Bác Hồ, hát ca và hô khẩu hiệu mừng Đoàn quân giải phóng, mừng Bác Hồ, Trung ương, Chính phủ... trở về Thủ đô, mừng Thủ đô sạch bóng quân thù.

15h00 cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản TP.

Trong buổi lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội - Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, một ngày hội lớn của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Nhân dân các tỉnh, TP trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng.

Bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về chiến thắng vang dội của chúng ta.

Ngày 10/10/1954 trở thành một mốc son chói lọi, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước.

Hà Nội vững bước đi lên

Sau khúc khải hoàn, quân, dân Thủ đô tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đi đầu trong xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, để làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đấu tranh kiên cường, gan dạ và vô cùng sáng tạo, TP đã cùng quân, dân miền Bắc làm nên chiến thắng lẫy lừng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris rút quân khỏi nước ta, mở đường cho Đại thắng Mùa xuân năm 1975, thu non sông về một mối.

69 năm qua, thực hiện căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội đã phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, tranh thủ thời cơ, vận hội, vượt qua khó khăn, thách thức để vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Theo thống kê, bình quân giai đoạn 2011 - 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước (cả nước tăng 5,94%/năm). Quy mô GRDP năm 2022 đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (tương đương khoảng 5.950 USD), gấp 1,45 lần cả nước, gấp 3,5 - 3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng - tương đương khoảng 1.697 USD).

9 tháng đầu năm 2023, GRDP của TP tăng 6,08%. Nền kinh tế của Thủ đô tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, là một trong những trung tâm lớn và đầu tàu kinh tế của cả nước và vùng, đứng thứ 2 về dân số và quy mô GRDP, đóng góp gần 13% GDP của cả nước; đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thu hút FDI của Hà Nội là điểm sáng, với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 9 tháng đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm gần 12,5% tổng vốn đầu tư đăng ký FDI của cả nước. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng; chính trị - xã hội ổn định, an ninh, trật tự được bảo đảm; quan hệ đối ngoại, hội nhập, hợp tác phát triển với quốc tế và với các địa phương trong nước được mở rộng; vị thế, uy tín của Thủ đô tiếp tục được nâng cao…

Với mục tiêu xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội thành với ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, TP, tăng cường liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển, TP đã tập trung triển khai xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng nhiều công trình, dự án quan trọng, trong đó có dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, hoàn thành, đưa vào sử dụng dự án mở rộng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2...

Để xây dựng, hoàn thành cơ chế, chính sách định hướng phát triển Thủ đô, TP Hà Nội cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô; hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.

Xác định văn hóa là nền tảng, động lực để phát triển, hướng đến xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - văn minh - hiện đại”, “TP vì hòa bình”; thực hiện các cam kết với UNESCO về “TP sáng tạo”; từng bước cụ thể hóa huy động các nguồn lực về văn hóa, nhân văn trong định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội, TP đã ban hành và đang nỗ lực triển khai thực hiện bài bản, hiệu quả Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa…

Những kết quả toàn diện mà TP Hà Nội đã đạt được góp phần không nhỏ tạo nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế chưa từng có của đất nước ngày nay.

Đây cũng là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội tiếp tục phát huy lòng tự hào, ý chí quyết tâm, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, xây dựng TP "Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại", ngày càng xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô.

Đọc thêm