Trong tháng 1/2020, Tổ kiểm tra liên ngành đã kiểm tra điều kiện người lái xe và điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện, kiểm tra lái xe về nồng độ cồn và sử dụng chất ma túy tại các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm; trên tuyến đường gom đại lộ Thăng Long - huyện Hoài Đức, đường Cienco 5 - quận Hà Đông. Lực lượng chức năng đã kiểm tra 151 trường hợp về chất ma túy, phát hiện 5 trường hợp dương tính.
Trong đó, riêng chiều 9/1, xét nghiệm chất gây nghiện với 34 lái xe tại Bến xe Nước Ngầm, có ba lái xe dương tính với chất ma túy. Các trường hợp này bị lực lượng chức năng lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động. Đoàn kiểm tra liên ngành đã chuyển cơ quan công an xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
“Khi lực lượng liên ngành phát hiện lái xe dương tính với chất ma túy, chúng tôi lập biên bản vi phạm hành chính và tạm thời đình chỉ lái xe cho đến khi có kết quả chính xác cuối cùng. Lúc đó chúng tôi cũng sẽ kịp thời báo cáo Sở GTVT để có văn bản gửi các đơn vị vận tải; hoặc thông báo cho các Sở GTVT các tỉnh, nếu lái xe hoặc DN vận tải ở tỉnh khác để kịp thời phối hợp quản lý”, ông Tiến cho biết.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đánh giá, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, đơn vị chức năng, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến lái xe có sử dụng rượu bia, chất ma túy trên địa bàn đã giảm rõ rệt. Nhìn chung người điều khiển phương tiện đều chấp hành yêu cầu kiểm tra và công nhận kết quả xét nghiệm. Bên cạnh đó, chủ DN và các lái xe cũng đã nâng cao nhận thức, hạn chế tình trạng sử dụng chất kích thích.
Tuy nhiên, vẫn còn một số DN vận tải vẫn lơ là hoặc né tránh kiểm tra sức khỏe đột xuất lái xe, nhất là xét nghiệm phát hiện sử dụng chất ma túy. Một phần do DN ngại mất chi phí phát sinh, sợ tốn thời gian khi để lái xe đi khám. Một nguyên nhân khác là do DN thiếu tự giác, chưa coi trọng đúng mức sự an toàn cho cộng đồng xã hội.
Khi lực lượng chức năng kiểm tra 16 DN kinh doanh vận tải có phương tiện gây tai nạn trong năm 2018 và các tháng đầu năm 2019, kết quả cho thấy, có 12 đơn vị sử dụng người điều hành hoạt động kinh doanh vận tải không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Trong đó có việc kiểm tra, đối chiếu báo cáo kết quả khám sức khỏe cho lái xe của DN với các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn, do không có thông tin của cơ sở y tế để đối chiếu.
Đại diện Đội CSGT số 12, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) nêu ý kiến, hiện nhiều DN còn lơ là về sức khỏe của lái xe, không quan tâm đến việc tổ chức khám sức khỏe cho họ. Một cán bộ CSGT cho rằng, phải để DN thấy được trách nhiệm của mình trong việc này, bởi việc kiểm tra, xử lý chỉ là phần ngọn, phần gốc là công tác quản lý của chính các DN. Nếu không, lái xe ở DN này nghiện ma túy bị thôi việc, sau đó lại chuyển sang DN khác xin việc.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cũng nhất trí quan điểm này, đồng thời cho biết, với các lái xe phát hiện nghiện ma túy thuộc các DN vận tải không do Hà Nội quản lý, Sở GTVT Hà Nội đều có văn bản gửi Sở GTVT địa phương và DN yêu cầu vào cuộc, xử lý.
Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, cần quyết liệt hơn nữa nhằm loại bỏ nạn lái xe không bảo đảm sức khỏe, sử dụng ma túy khi tham gia giao thông, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định: Năm 2020, Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Sở cấp giấy phép kinh doanh vận tải mà có lái xe vi phạm về nồng độ cồn và sử dụng chất ma túy; hậu kiểm đối với các đơn vị vận tải theo thẩm quyền.
Đồng thời, tiếp tục ban hành văn bản chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô đối với các đơn vị kinh doanh vận tải có nhiều phương tiện vi phạm, hoặc tái vi phạm.