Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm an toàn thực phẩm dịp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Là địa bàn tập trung đông dân cư nhất miền Bắc với gần 11 triệu người, vấn đề an toàn thực phẩm được TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm, chú trọng, nhất là vào các dịp cuối năm, lễ, Tết.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm

Thực hiện cao điểm về kiểm soát, xử lý an toàn thực phẩm

Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 16/KH-QLTTHN về việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm 2022, dịp Tết Dương lịch; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Qúy Mão năm 2023.

Theo đó, Kế hoạch số 16 sẽ được triển khai từ 1/11/2022 đến 15/2/2023. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý có trọng tâm, trọng điểm các đối tượng kinh doanh, hoạt động có tổ chức tập kết, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, chú trọng đấu tranh các mặt hàng thuốc lá nhập, pháo nổ, đồ chơi ảnh hưởng tới sức khỏe và nhân cách trẻ em; thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt gia súc gia cầm nhập lậu; thực phẩm bánh kẹo rượu, bia, nước giải khát nhập lậu, xăng dầu, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... các nguyên liệu, phụ gia nhập lậu vi phạm an toàn thực phẩm dùng để sản xuất chế biến hàng công nghiệp thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao trong các dịp lễ, Tết.

Đối với công tác kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm, chất lượng, Cục Quản lý thị trường đề nghị các đơn vị trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dịch vụ do ngành công thương quản lý như: rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến từ tinh bột, hàng công nghệ phẩm.

Phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; kinh doanh, vận chuyển và chế biến thịt, các sản phẩm từ thịt; động vật tươi sống, thủy hải sản tươi sống, thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hàng tiêu dùng.

Phát hiện hàng nghìn cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Theo số liệu thống kê, TP. Hà Nội hiện có hơn 83.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Riêng trong năm 2021, thành phố đã thành lập trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, gồm các đoàn liên ngành và chuyên ngành. Các đoàn đã tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 48.000 lượt cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm gần 7.000 cơ sở với số tiền phạt gần 4 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố cũng đã thành lập 699 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Qua đó, đã phát hiện 2.966 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.140 cơ sở với số tiền phạt là hơn 3,2 tỷ đồng. Đồng thời, tịch thu giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của 39 cơ sở, đình chỉ 66 cơ sở và tiêu hủy 64 loại sản phẩm vi phạm của 524 cơ sở. Cùng với đó, có 1.367 cơ sở bị nhắc nhở tại chỗ vì những lỗi tồn tại của người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, như nhân viên không cắt móng tay, còn đeo đồ trang sức khi chế biến thực phẩm…

Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, qua thanh tra, kiểm tra cho thấy tình hình chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có những chuyển biến tích cực.

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: “Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, lực lượng thanh tra tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là ở những công đoạn có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cao. Trong đó, chú trọng thanh kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các vi phạm”.

Hà Nội tăng cường, giám sát chặt chẽ công tác hậu kiểm tự công bố chất lượng nông sản, thực phẩm

Hà Nội tăng cường, giám sát chặt chẽ công tác hậu kiểm tự công bố chất lượng nông sản, thực phẩm

Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường, giám sát chặt chẽ công tác hậu kiểm tự công bố chất lượng nông sản, thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các nhà quản lý, người sử dụng thực phẩm, người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Chú trọng việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi của cá nhân đặc biệt là của chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh lây truyền qua đường ăn uống.

Tại một cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đặc biệt yêu cầu các ngành chức năng siết lại công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

"Từ nay đến cuối năm, chúng ta phải có kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Cần quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động kinh doanh thực phẩm đường phố, nhất là những cơ sở, mặt hàng có nguy cơ sử dụng nguyên liệu quá hạn, nguyên liệu bẩn” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thời điểm cuối năm, đặc biệt là dịp cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão, nhu cầu sử dụng, mua bán, trao đổi hàng hóa thực phẩm sẽ tăng cao. Do đó, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giữ vững ổn định thị trường là một trong những nhiệm vụ được TP. Hà Nội tích cực triển khai thực hiện, đảm bảo kết quả, hiệu quả./.