Tới dự buổi lễ có Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, lãnh đạo bộ, ngành, Hà Nội và đông đảo người dân địa phương.
Tuyên chiến với ô nhiễm môi trường
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, Hà Nội hiện có trên 1.350 làng nghề gắn liền với những nét văn hóa đặc trưng cũng như góp phần phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn tồn tại tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của Thành phố.
Huyện Hoài Đức nằm trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy, là địa bàn tập trung nhiều làng nghề truyền thống phát thải lưu lượng nước thải lớn, gồm nước thải làng nghề sản xuất và nước thải sinh hoạt có nồng độ chất ô nhiễm cao; đặc biệt tại 3 xã Cát Quế - Dương Liễu - Minh Khai với nghề truyền thống sản xuất miến, bún; đồng thời tận dụng phế phẩm sản xuất để chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do hoạt động sản xuất làng nghề trên địa bàn Hoài Đức nói riêng và lưu vực sông Nhuệ nói chung theo “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020” được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 57/2008 ngày 29/04/2008 và “Đề án quản lý bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn TP Hà Nội” được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 1569 ngày 6/4/2010; UBND Thành phố đã thí điểm áp dụng hình thức đầu tư xã hội hóa Dự án Nhà máy xử lý nước thải (XLNT) làng nghề Cầu Ngà do Cty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền đầu tư xây dựng. Nhà đầu tư được trả kinh phí trên cơ sở m3 nước thải đã xử lý đạt chuẩn. Với phương thức này, nhà nước không phải bỏ tiền đầu tư ban đầu.
Trong lĩnh vực XLNT làng nghề thì đây là nhà máy có công suất lớn nhất cả nước và đáng nói là sau gần 20 năm thành lập Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, nhưng đây là nhà máy XLNT đầu tiên hoàn thành thuộc lưu vực này.
Với việc nhà đầu tư áp dụng công nghệ SBR cải tiến, công nghệ xử lý sinh học khép kín với các dây chuyền thiết bị tự động hóa được nhập khẩu từ Châu Âu (G7), diện tích chiếm đất rất ít khi nhà máy có công suất 20.000 m3/ngày đêm nhưng chỉ cần 1 ha đất gồm cả khoảng cách ly an toàn môi trường; chi phí đầu tư và vận hành thấp; lượng bùn thải phát sinh ít.
Nước thải thu gom về đều được xử lý triệt để ngay nên không phát sinh mùi hôi. Nhà máy cũng áp dụng công nghệ phân bùn bể phốt, khử trùng bằng Clo đảm bảo vệ sinh môi trường. Công nghệ này đã được nhà đầu tư áp dụng cho hơn 30 công trình trên cả nước. Đặc biệt hơn, đây là công trình sử dụng năng lượng tái sinh khi 1200 m2 pin mặt trời được lắp đặt để phát điện phục vụ cho nhà máy.
Nhân rộng mô hình xã hội hóa
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cho biết, đây là dự án lớn và sử dụng công nghệ hiện đại trong việc XLNT ở nước ta. Việc đưa nhà máy vào hoạt động góp phần tích cực trong xử lý ô nhiễm, nhất là trong giai đoạn hiện nay tình trạng ô nhiễm không khí, chất thải, nước thải đang ở mức báo động. “Nhà máy này sẽ là mô hình điểm cho các địa phương, doanh nghiệp khác học hỏi”, ông Hà nhấn mạnh.
Đánh giá tầm quan trọng của việc xây dựng và đưa nhà máy đi vào hoạt động, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nhấn mạnh: “Việc Khánh thành Nhà máy thể hiện quyết tâm của Thành phố: cải thiện môi trường sống cho nhân dân Thủ đô, nhân dân khu vực xung quanh các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp, dần làm trong sạch lại các con sông và một phần sông Nhuệ - sông Đáy, tạo cảnh quan, sinh thái đô thị, phát triển bền vững Thủ đô. Trên cơ sở kết quả, hiệu quả đầu tư dự án xã hội hóa trong XLNT làng nghề, UBND Thành phố sẽ xem xét nhân rộng mô hình đầu tư tại các khu vực làng nghề trên toàn Thành phố”.
Đại diện Cty CP đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền cho biết: Nhà máy XLNT có quy mô 20.000 m3/ngày đêm nhưng chúng tôi nỗ lực thi công và hoàn thành trong 10 tháng. Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt có ý nghĩa nhiều mặt, nhất là đối với khu vực làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng. XLNT làng nghề có đặc điểm là biến động lưu lượng nước giữa mùa sản xuất và không sản xuất rất lớn, nên việc thu hồi vốn của nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, với mục đích lớn hơn là khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nên nhà đầu tư đã xác định vượt qua khó khăn nhằm mang lại cuộc sống an toàn, lành mạnh cho người dân nơi đây và vùng phụ cận.
Nhà máy XLNT có mức độ tự động hóa rất cao, có thể vận hành qua máy tính và điều khiển qua internet. Nước thải trước khi xử lý và tại từng công đoạn đều được đo tự động để giám sát việc xử lý ở mức độ tối ưu nhất. Nước thải sau xử lý được quan trắc tự động và có chế độ an toàn tuyệt đối đảm bảo nước thải chỉ có thể thải ra ngoài sau khi đạt các tiêu chuẩn.