Trong 6 tháng đầu năm 2018, lãnh đạo Cục THADS TP Hà Nội và các Chi cục THADS trực thuộc thành phố đã tập trung triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018, chỉ đạo đơn vị và chấp hành viên tập trung rà soát phân loại và tổ chức thi hành án ngay từ đầu năm công tác. Các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ án lớn, các vụ việc liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng được chỉ đạo quyết liệt đã đạt được kết quả khả quan hơn so với năm 2017.
Cụ thể, đã giải quyết xong 12.145 việc/ tổng số 23.812 việc có điều kiện thi hành, tăng 1.073 việc so với cùng kỳ năm 2017, đạt tỷ lệ 51%. Về tiền, đã giải quyết xong gần 1,3 nghìn tỷ đồng/ tổng số hơn 15,2 nghìn tỷ đồng có điều kiện thi hành, tăng 306,49 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017, đạt tỷ lệ 8,4%. Còn về thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước, đã giải quyết được 10.357 việc, thu được số tiền gần 98 tỷ đồng (tăng 255 việc, tăng hơn 24 tỷ đồng so với năm 2017), đạt tỷ lệ 60% về việc và 33% về tiền.
Đối với án tín dụng, ngân hàng, đã giải quyết được 138 việc thu được số tiền hơn 1,17 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5% về việc và 9% về tiền. Về kết quả thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự, đã giải quyết được 3.794 việc, thu được số tiền là 185 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 53% về việc và 11% về tiền. Hà Nội cũng thực hiện miễn, giảm thi hành án 168 việc với số tiền trên 1,16 tỷ đồng (tăng 59 việc, tăng gần 122,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017)…
Cục THADS thành phố biểu dương một số Chi cục có kết quả thi hành xong đạt tỷ lệ cao: Về việc có Gia Lâm, Phú Xuyên (73%), Ứng Hòa (71%), Thanh Xuân, Ba Vì (70%); Về tiền có Thường Tín (38%), Gia Lâm (23%), Mỹ Đức (19%), Sơn Tây (15%), Đống Đa (14%).
Tuy nhiên, kết quả THADS của toàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2018 còn thấp, còn thiếu so với chỉ tiêu được giao. Một số Chi cục có kết quả còn thấp. Nguyên nhân là do số việc, số tiền thụ lý mới, phải thi hành tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2017. Số việc thụ lý mới là 17.211 việc, tăng 2.046 việc (13%) so với cùng kỳ năm 2017, số tiền thụ lý mới là trên 8,1 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2,2 nghìn tỷ đồng (38%) so với cùng kỳ năm 2017. Do đó, trong thời gian 6 tháng cuối năm, Cục và các Chi cục THADS trực thuộc cần phải triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác, quyết liệt tổ chức thi hành án và có sự cố gắng, nỗ lực rất lớn mang tính đột phá thì mới có thể hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2018.
Theo Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội Lê Quang Tiến, giải pháp hàng đầu là sẽ phân công lãnh đạo Cục và chấp hành viên phụ trách lĩnh vực, địa bàn công tác tăng cường quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác THADS theo hướng sâu sát, cụ thể, quyết liệt, rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành. Có như vậy mới đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan THADS trong chỉ đạo, điều hành công tác THADS, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án.
Ngoài ra, phải thực hiện tốt việc rà soát, phân loại việc, tiền thi hành án, bảo đảm chính xác, thực chất; số liệu báo cáo các kỳ phải đảm bảo chính xác, trung thực, thống nhất, nhất là nghiêm cấm chạy theo thành tích; kịp thời giải quyết và chỉ đạo giải quyết dứt điểm, triệt để các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi phát sinh, ngăn ngừa phát sinh các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Thành phố sẽ chủ động hỗ trợ đối với các đơn vị có số việc tăng đột biến, giá trị tiền phải thi hành lớn, đặc biệt là các đơn vị có khả năng không hoàn thành chỉ tiêu thi hành án được giao; giám sát chặt chẽ việc thẩm định, đấu giá tài sản kê biên theo thẩm quyền...
Cục trưởng Lê Quang Tiến cũng yêu cầu các Chi cục trưởng Chi cục THADS và Trưởng các Phòng chuyên môn thuộc Cục có biện pháp giao chỉ tiêu thi hành án xong về việc, về tiền hàng tháng cho chấp hành viên thuộc đơn vị quản lý; chỉ đạo chấp hành viên thường xuyên rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án, lập kế hoạch tổ chức thi hành án từng hồ sơ vụ việc, trong đó tập trung vào các vụ việc có giá trị thi hành lớn, việc thi hành án có điều kiện thi hành, có khả năng kết thúc được hồ sơ, các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng ngân hàng, án trọng điểm, các vụ việc có giá trị lớn, liên quan đến án tham nhũng, kinh tế, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, các vụ việc có tài sản thế chấp, bảo đảm…