Hà Nội rục rịch vào mùa thi thử

Cuối tháng 3/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố ba môn thi tốt nghiệp còn lại nhưng từ đầu tháng, nhiều trường THPT bắt đầu cho học sinh (HS) tập dượt thi thử. 

Cuối tháng 3/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố ba môn thi tốt nghiệp còn lại nhưng từ đầu tháng, nhiều trường THPT bắt đầu cho học sinh (HS) tập dượt thi thử. 

Học sinh THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm trong kì thi tốt nghiệp 2010

Chạy "nước rút" chương trình

Theo phân phối chương trình học của khối THPT, khoảng đầu tháng 5/2011, các trường mới kết thúc chương trình cơ bản. Tuy nhiên, trên thực tế, một số trường THPT dân lập (DL) vẫn có thể chủ động kết thúc sớm chương trình học cơ bản nhằm tập trung để ôn thi tốt nghiệp cho học sinh.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường DL Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: Do không bị hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, phòng học nên trường đã tổ chức cho HS học 9 buổi/tuần ngay từ đầu năm học. Với thời lượng học gần gấp đôi HS công lập thì việc tăng số tiết vào những môn quan trọng như toán, văn, ngoại ngữ, lý, hóa là khả thi.

TP.Hồ Chí Minh: Cấm thi thử

Được biết, nhiều trường THPT DL ở TP.Hồ Chí Minh cũng đã sớm kết thúc chương trình lớp 12 để học sinh chuẩn bị cho những môn thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, mới đây Sở GD&ĐT TP đã có công văn cấm các trường tổ chức thi thử.

TS.Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng cũng chia sẻ: “Để phù hợp với học lực của phần đông HS yếu, trong năm học lớp 10-11, trường chỉ dạy kiến thức cơ bản nhất để HS tiếp thu theo đúng năng lực của mình. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm học lớp 12, các giáo viên của trường sẽ tăng cường bám sát chương trình sách giáo khoa để các em có đủ kiến thức trong kỳ thi tốt nghiệp. Việc bồi dưỡng học sinh yếu kém cũng được các giáo viên đặc biệt chú ý hơn. Đến khi Bộ công bố ba môn thi còn lại, việc ôn tập sẽ được tiến hành. Tất nhiên, nhà trường tổ chức ôn tập theo nguyện vọng của học sinh. Việc này cũng có thuận lợi là đảm bảo việc ôn tập có tính hệ thống”.

GS.Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường DL Lương Thế Vinh, cho biết: “Nói chung, đến khoảng tháng 4 hoặc 5/2011 là kết thúc chương trình. Nhưng với một số môn trọng điểm ở các môn thi đại học như khối A (Toán, Lý, Hóa), khối D (Văn, Toán, Ngoại ngữ)... thì kết thúc sớm hơn. Sau Tết Âm lịch một thời gian ngắn, học sinh lớp 12 có thể kết thúc chương trình. Đối với trường công lập sẽ không thể đẩy chương trình lên được”.

Thi thử cả tốt nghiệp, ĐH

Nếu như các trường DL có lợi thế tăng tiết để củng cố kiến thức cho HS chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT thì các trường công lập cũng phải lên kế hoạch ôn thi cho HS lớp 12.

Để không vi phạm yêu cầu của Bộ GD&ĐT trước kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm về việc không được cắt xén chương trình để tổ chức ôn thi cho HS lớp 12, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - bà Bùi Thị Minh Nga cho biết, kế hoạch ôn thi, thi thử đã được nhà trường thông báo cho phụ huynh HS ngay khi kết thúc học kỳ I.

Không tăng tiết, tăng giờ

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho hay, theo hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2010-2011 đối với cấp THPT là buổi sáng dạy không quá 5 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tuần học không quá 6 ngày.

Các trường phải tuân thủ theo quy định này. Đồng thời phải báo cáo với Sở GD&ĐT về việc xây dựng phân phối chương trình, nội dung dạy học và hoạt động giáo dục phù hợp với đặc điểm địa phương và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ của nhà trường. Ưu tiên bố trí các tiết học theo lớp vào buổi sáng, các tiết dạy học tự chọn, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi và các hoạt động giáo dục theo các nhóm đối tượng học sinh vào buổi chiều.

“Năm học này, HS được học sớm 2 tuần cộng với việc bố trí thời gian dạy và học cũng như các hoạt động ngoại khóa hợp lý, nhà trường có thể hoàn toàn chủ động về thời gian để dành cho HS lớp 12 ôn tập mà không vi phạm vào yêu cầu của Bộ và Sở về việc đảm bảo chương trình chính khóa” - bà Bùi Thị Minh Nga cho biết.

Theo đó, trường đã chuẩn bị lịch thi thử ngay trong tháng 3 cho HS các khối, bao gồm cả thi thử ĐH và tốt nghiệp THPT vào thứ bảy, chủ nhật. Bà Nga khẳng định: “Nghỉ Tết nguyên đán xong, HS của trường sẽ bắt đầu chương trình học tập và ôn thi tốt nghiệp chứ không chờ đến khi có thông báo về môn thi”.

Sau thi thử tốt nghiệp là thi thử tuyển sinh ĐH-CĐ. Ông Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay: “Đầu tháng 3 này, HS của trường sẽ được thi thử ĐH lần thứ nhất”.

Tuy nhiên, ngoài việc tăng cường ôn tập ở trường, ông Đoàn Hoài Vĩnh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng nhà trường cần phối hợp với cha mẹ HS để tạo điều kiện tốt cho việc học, ôn tập của HS, để các em dành nhiều thời gian cho việc tự học. Hà Nội cũng đã hướng dẫn các trường cần kịp thời thông báo cho cha mẹ HS nắm rõ tình hình học tập của HS, đặc biệt là những HS có học lực yếu, kém, HS không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường phải triển khai sớm công tác bồi dưỡng, phụ đạo HS, học viên có học lực yếu, kém, HS người nước ngoài, thí sinh tự do xin ôn tập. Sở còn yêu cầu nhà trường chú trọng hướng dẫn phương pháp học cho HS chứ không chỉ học thuộc lòng câu chữ, làm sao để HS nắm vững các kiến thức, tránh học tủ, học vẹt.

 

Uyên Na

Đọc thêm