Theo bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 được 12 ngày. Mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa, song Hà Nội vẫn đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định phục vụ nhu cầu của người dân.
Trước diễn biến tình hình COVID-19 còn nhiều phức tạp, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rà soát lại các vùng trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn để cơ cấu tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi (nhất là mặt hàng rau ăn lá, củ, quả, trứng gia cầm,…) phù hợp nhu cầu tiêu dùng người dân trong phòng chống dịch, nhằm đảm bảo nguồn tự cung cao nhất cho Hà Nội.
Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục kết nối với các tỉnh, thành phố cung cấp hàng hóa cho thành phố qua các kênh phân phối nhằm cân đối cung cầu, đảm bảo đủ nhu cầu phục vụ nhân dân trên địa bàn.
“Sở Công Thương Hà Nội đã rà soát nguồn hàng các tỉnh đang cung cấp, trọng tâm là với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc trong Ban điều phối chuỗi cung ứng rau, thịt, thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội; tập trung khai thác nguồn hàng gần 800 chuỗi, các doanh nghiệp chế biến lớn, các doanh nghiệp, hộ sản xuất, các sản phẩm OCOOP, HTX… của các tỉnh, thành phố để đưa về Hà Nội; đồng thời tiếp tục làm việc với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT các tỉnh khác để đảm bảo nguồn hàng thay thế”, bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Thời gian vừa qua do ảnh hưởng dịch lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa dừng hoạt động.
Để đảm bảo được nguồn cung và tiếp tục phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa. Nhiều hệ thống đã tăng lên trên 50% so với ngày bình thường.
Các doanh nghiệp cũng đổi mới các hình thức kinh doanh như tăng cường bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7... Cùng với đó, một số cơ sở chế biến trên địa bàn tiếp tục tăng công xuất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối.
Hiện nay, các doanh nghiệp, các địa phương đã tăng cường mở thêm các điểm bán. Ví dụ như, hệ thống VinShop đã mở đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu trên 30 quận, huyện, thị xã.
Sở Công Thương Hà Nội đang phối hợp với Bưu điện Hà Nội để tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu. Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng trong tình huống dịch COVID-19. Trong đó, mỗi phường, xã ít nhất tổ chức thêm 1 điểm bán, những nơi chưa có chợ tổ chức tối thiểu từ 2 điểm bán trở lên.
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội rà soát các điểm đất trống, sân vận động, bến xe (đang dừng hoạt động),các chợ đang hoạt động chưa hết công suất…đối với các địa phương ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô để giúp thành phố làm nơi trung chuyển hàng hóa, dãn cách cho các chợ đầu mối đang dừng hoạt động
Tính đến nay trên địa bàn thành phố có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở Công Thương niêm yết công khai trên địa bàn thành phố để phục vụ nhân dân; đồng thời sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.
Qua 12 ngày thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố, Hà Nội đã đáp ứng đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân. Trong hai ngày đầu thực hiện giãn cách sức mua tăng bình quân tại các hệ thống phân phối khoảng 30% so với ngày bình thường.
Tuy nhiên, nhờ có có sự chuẩn bị sẵn sàng về hàng hóa, nhân lực, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ, tăng giá của các lực lượng chức năng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên đến ngày thứ ba trở đi hoạt động mua sắm trở lại bình thường cho đến nay. Hiện nay, mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân dân.