Hà Nội tăng cường kiểm soát thực phẩm không rõ nguồn gốc

(PLVN) - Tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tại các cơ sở kinh doanh ăn uống ở Hà Nội luôn là vấn đề gây nhức nhối dư luận bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và hình ảnh, uy tín của Thủ đô. Dù đã có nhiều biện pháp khắc phục, các vi phạm an toàn thực phẩm vẫn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa từ cơ quan chức năng.
Quầy đồ ăn lộ thiên, không được che chắn, dễ dàng tiếp xúc với bụi bẩn. (Ảnh: Linh Chi)

Nguy cơ từ ẩm thực đường phố, bếp ăn tập thể

Dù ẩm thực đường phố là một phần không thể thiếu trong văn hóa và cuộc sống hàng ngày của người dân Thủ đô nhưng tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm diễn ra nhiều năm nay vẫn là vấn đề nhức nhối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng của thành phố đã kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm 5.820/5.820 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố gồm các cơ sở tại lễ hội, hội chợ, triển lãm, khu du lịch, điểm công cộng và hàng rong. Trong đó, số cơ sở vi phạm chiếm trên 16%.

Những hình ảnh về các quầy hàng lộ thiên trên các vỉa hè, thực phẩm bày bán gần mặt đất, không được che chắn, dễ dàng tiếp xúc với bụi bẩn, côn trùng và các chất ô nhiễm khác đã trở nên quá quen thuộc tại nhiều khu vực đông thực khách như các chợ, trường học và điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô. Những điều kiện này làm gia tăng nguy cơ thực phẩm bị nhiễm khuẩn, dẫn đến các bệnh về tiêu hóa như ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy và nhiễm khuẩn đường ruột.

Bên cạnh các nguy cơ từ thức ăn đường phố, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đang diễn ra ở nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Theo kết quả kiểm tra, giám sát 35.146 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống, chỉ có 84,5% số cơ sở đạt tiêu chí theo quy định. Điều đó cũng đồng nghĩa vẫn có hàng nghìn cơ sở chưa đạt tiêu chuẩn an toàn. Bên cạnh đó, trong đợt thành phố giám sát kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 15 bếp ăn tập thể trường tiểu học và 10 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cung cấp nguyên liệu cho bếp ăn tập thể trường tiểu học tại 15 quận, huyện, thị xã, kết quả cho thấy chỉ có 298/324 cơ sở đạt chuẩn an toàn.

Đáng lo ngại hơn nữa, theo Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, hiện nay tình hình vận chuyển, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng vẫn xảy ra. Hàng hóa vi phạm thường là thực phẩm (bỏng gạo, bim bim, xúc xích, cánh gà...), thực phẩm đông lạnh, nội tạng động vật (kê gà, dạ dày lợn, óc lợn, nầm lợn, mỡ bò...). Các đối tượng còn thay đổi nhãn, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa.

Những thông tin trên khiến dư luận lo ngại về nguy cơ đối với sức khỏe thực khách khi tiêu thụ phải thực phẩm bẩn, trong đó có rất nhiều thực khách là trẻ em, học sinh còn đang ngồi ghế nhà trường.

Cần kiểm soát chặt chẽ hơn

Tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đang ngày càng trở nên nhức nhối, khi thực phẩm mất vệ sinh, không rõ nguồn gốc vẫn đang tràn lan ở nhiều hàng quán trên địa bàn Thủ đô. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng, cộng đồng và người tiêu dùng cần phối hợp chặt chẽ để cải thiện tình trạng này, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cả cộng đồng.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đã và đang chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp, mô hình quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Sở Y tế Hà Nội đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh vi phạm an toàn thực phẩm tại Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội (0823.88.9095, 0922.55.9095). Theo đó, người dân, du khách đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, báo cáo tới các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý các vi phạm, ngăn chặn thực phẩm bẩn gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, thành phố cũng duy trì mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người để chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, với 440 xã, phường, thị trấn/20 quận, huyện, thị xã. Các đoàn giám sát, tư vấn hướng dẫn người dân thực hiện quy định về an toàn thực phẩm tại các gia đình tổ chức cỗ tập trung đông người. Theo đó, 100% gia đình đã ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang triển khai thí điểm mô hình “Kiểm soát an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học” thuộc hai phường Tràng Tiền và Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm. Người dân Thủ đô mong đợi kết quả từ mô hình thí điểm có thể làm hình mẫu cho các quận, huyện khác học hỏi theo để tăng thêm các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho trẻ em.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cũng như hình ảnh và uy tín của Thủ đô, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Đó là thường xuyên thực hiện các cuộc kiểm tra và giám sát các điểm bán thức ăn đường phố, xử phạt nghiêm khắc hơn nữa các trường hợp vi phạm, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng kinh doanh ăn uống và thực khách về các vấn đề an toàn thực phẩm, tạo ra một môi trường “tẩy chay” hoàn toàn đối với thực phẩm bẩn, không rõ xuất xứ.

Đọc thêm