Hà Nội, TP HCM phải sẵn sàng đối phó tình huống xấu của dịch Covid - 19

(PLVN) - Thủ tướng nhấn mạnh việc sẵn sàng đối phó dịch bệnh trong tình huống xấu, theo đó, các đô thị lớn phải lên kế hoạch cách ly, nhất là Hà Nội và TP HCM, không để dịch bệnh lan rộng...

Chiều 5/3, kết luận phiên họp Thường trực Chính phủ về ứng phó dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả tích cực trong phòng, chống dịch bệnh vừa qua. Đồng thời, lưu ý dịch bệnh đã lan rộng ra thế giới, nhất là một số nước châu Âu, nên không được chủ quan, mệt mỏi hay chần chừ mà cần kiên định và kiên quyết hơn trong ngăn chặn dịch Covid-19. 

Các cấp, các ngành, địa phương không được "thỏa mãn non", phải quán triệt tình hình để ngăn ngừa dịch bệnh, không để lây lan vào Việt Nam. Không chỉ cả hệ thống chính trị mà cả chính quyền cơ sở phải nắm bắt tình hình, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm, các ổ dịch. 

Lực lượng vũ trang, nhất là Quân đội, các địa phương cũng phải sẵn sàng chuẩn bị cơ sở cần thiết để cách ly; một số khách sạn, cơ sở lưu trú khi cần cũng phải được huy động. Các sân bay được phân công đón khách về từ vùng dịch, UBND các địa phương liên quan phải luôn sẵn sàng.

Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh việc sẵn sàng đối phó dịch bệnh trong tình huống xấu, theo đó, các đô thị lớn phải lên kế hoạch cách ly, nhất là Hà Nội và TP HCM, không để dịch bệnh lan rộng. Tiếp tục đề cao trách nhiệm các ngành, lực lượng y tế, công an, quân đội và chính quyền địa phương các cấp.

Thủ tướng cũng đồng ý các kiến nghị cụ thể của Ban Chỉ đạo Quốc gia về việc dừng hiệu lực của giấy miễn thị thực cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài song song với việc dừng miễn thị thực đơn phương đối với quốc gia đó (hiện nay là Hàn Quốc và Italy). 

Công dân thuộc tỉnh, thành phố nào thì được theo dõi, cách ly tại đó theo nguyên tắc: khi nhập cảnh vào Việt Nam được đưa vào khu cách ly tập trung ban đầu; tại đây được khám sàng lọc, những trường hợp không có biểu hiện sốt, ho, khó thở và không đến hoặc đi qua vùng dịch thì được chuyển về địa phương để theo dõi, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thủ tướng nhất trí với kiến nghị mua sắm thêm các trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch bệnh cần thiết nhưng yêu cầu Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành liên quan căn cứ nhu cầu để tính toán cụ thể số lượng và sớm trình ngay để Thủ tướng Chính phủ quyết. 

Thành lập tổ công tác gồm các bộ Tài chính, Công thương và Y tế để giải quyết ngay lập tức việc mua sắm này trên tinh thần bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, đáp ứng các nhu cầu cần thiết. Ngoài nguồn ngân sách thì cần có nguồn xã hội hóa.

Thủ tướng đã giao Bộ Y tế mua thêm 20 triệu chiếc khẩu trang y tế dự trữ (cộng với 10 triệu ban đầu là 30 triệu chiếc) và một số khẩu trang chuyên dụng N95, trang phục phòng dịch.

Đọc thêm