Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc
Theo đó, để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của Thành phố khẩn trương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của Thành phố tăng cường công tác thông tin về diễn biến và tính chất nguy hiểm, phức tạp của cơn bão số 3.
Tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra, tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc trong công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là.
Qua đó, đề cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của bão và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão hiệu quả, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, nhất là tại các khu vực ven sông, bệnh viện, trường học, khu vực tập trung đông dân cư và các cơ quan, doanh nghiệp.
Đồng thời, chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” một cách thực chất theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao (gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Các cơ quan, đơn vị chủ động phương án sẵn sàng hiệp đồng với lực lượng quân đội, công an để làm tốt công tác phòng, chống bão, lũ.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố, các quận ủy, huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố chủ động nắm sát tình hình bão để khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão và tăng cường kiểm tra việc thực hiện theo chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội.
Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, phải huy động tối đa đảm bảo có điện cao nhất và khắc phục sự cố nhanh nhất, duy trì cung ứng điện khi có mưa, lũ xảy ra; đặc biệt đảm bảo điện phục vụ cho các công trình tiêu úng, thoát lũ.
Theo dõi sát tình hình bão, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng khai thác và ngăn nguy cơ ngập lụt từ lũ rừng ngang; đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân.
Chủ động kích hoạt các trạm bơm tiêu để đón trước các khu vực trọng điểm tiêu úng; triển khai các biện pháp bảo vệ hồ đập, đê điều, nhất là khu vực các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất…
Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, cấp ủy các cấp trực tiếp chỉ đạo, điều phối các lực lượng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn Thành phố.
Tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó với tinh thần ở mức cao nhất. Có thể hoãn các cuộc họp, hội nghị, sự kiện không cần thiết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão.
Đơn vị nào để xảy ra thiệt hại về người, tài sản do lỗi chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bão thì người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy.
Đảm bảo an toàn cao nhất cho Nhân dân
Trong sáng 6/9, trước nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của bão số 3, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn về người và tài sản trên địa bàn Thành phố.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị các cấp Thành phố vào cuộc tham gia phòng, chống bão số 3 trên tinh thần không chủ quan, thực hiện bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Sáng cùng ngày, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã có buổi kiểm tra đột xuất công tác ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3 tại quận Ba Đình. Phát biểu tại cuộc kiểm tra, bà Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu quận Ba Đình rà soát toàn bộ các phương án ứng phó với bão số 3, ứng trực 24/24 giờ trên tinh thần bám sát diễn biến bão để bảo đảm an toàn cao nhất cho Nhân dân.
Nhấn mạnh quận Ba Đình là trung tâm chính trị quốc gia với nhiều cơ quan Trung ương, nhiều chung cư cũ, nhiều nhà ở riêng lẻ cao tầng và dự kiến có nhiều điểm ngập úng cục bộ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp ủy, chính quyền quận rà soát kỹ lưỡng các phương án, tuyệt đối không được chủ quan. Cùng với việc ứng trực 24/24 giờ, công tác phòng, chống lụt bão phải được triển khai hiệu quả, thực chất, theo phương châm “4 tại chỗ”.
Lưu ý bão số 3 sẽ đi qua Hà Nội vào ngày nghỉ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị quận Ba Đình cân nhắc công tác quản lý tại các khu tham quan, di tích, bảo đảm an toàn tối đa cho Nhân dân. Với các công trình đang xây dựng dang dở, UBND quận cần nhắc nhở nhà thầu có biện pháp chằng chống hiệu quả để bảo đảm an toàn.
Cùng với đó, cần xây dựng phương án xử lý các điểm ngập úng, xử lý ùn tắc giao thông; có biện pháp dự trữ lương thực, thực phẩm trong trường hợp mưa lớn kéo dài; bảo đảm cấp điện, cấp nước cho người dân trong những ngày mưa bão.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã ký ban hành Công điện số 11/CĐ-UBND ngày 6/9/2024 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024.
Tại Công điện này, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.