Điều này không phải là phát hiện mới mẻ, hầu như ai cũng biết, cũng ngán ngẩm nhưng không ai phê phán quyết liệt mà chỉ chăm chăm “ăn theo quy hoạch”. Giờ đây, người đứng đầu chính quyền thành phố đã nói ra, tức là đã có một sự chuyển biến từ nhận thức để có hành động đúng đắn: Đừng băm nát nữa!
Hà Nội trong con mắt và trong tâm tưởng của mọi người là nơi hội tụ ánh sáng của văn hóa, văn minh đất nước, là niềm tự hào không của riêng cư dân thành phố mà những ai đến đây đều coi như kỷ niệm đáng nhớ của đời mình. Thủ đô của chúng ta từng đẹp, rất đẹp, rất xanh, thanh bình, yên ả trong ký ức của bao người và giờ điều đó cũng chỉ còn trong ký ức.
Khởi sự cho việc chọc thủng cảnh quan thanh bình và không gian thoáng đãng có lẽ là sự xuất hiện của tòa nhà Hàm cá mập bên Hồ Gươm vài chục năm trước cho dù dư luận phản đối rất nhiều. Việc xâm chiếm đầu tiên hoàn tất, đặt nền móng vững chắc để sau đó các tòa nhà cao tầng tiếp tục mọc lên quanh Bờ Hồ thiêng liêng, che khuất đi những vời vợi không gian tâm linh và lịch sử. Cái hàm cá mập ấy đã ngoạm dần văn hóa thanh lịch ngàn năm của Thăng Long.
Tiếp nối, cuộc chiến dư luận, báo chí để giữ công viên Thủ Lệ bất thành, vườn thú đã bị xẻ thịt cho các công trình xây dựng, ngày càng to hơn, cao hơn. Kể cả tư nhân, doanh nghiệp, tổ chức,... cũng góp mặt trong cuộc dồn ép này, biến hồ Thủ Lệ xinh đẹp, mộng mơ, thoáng mát thành cái ao làng tù hãm.
Hàng chục năm qua, người Hà Nội đã phải sống chung với bụi khói công trường, từ lát vỉa hè, đào đường vô tội vạ đến các cao ốc dựng tường thành trên phố, biến con đường thành hang sâu gió hút, thành sông rác nổi lềnh phềnh.
Chỉ một cái sân chơi cho trẻ giữa hai căn nhà chung cư tập thể cũng không thoát khỏi con mắt soi mói của “nhà đầu tư” được sự tiếp tay của một số cán bộ nhảy vào lấn chiếm, xây nhà. Nhỏ như thế huống hồ những mảnh đất vàng nội đô bao kẻ dòm ngó, băm nát chia nhau như dẫn chứng của ông Chủ tịch.
Quy hoạch lộn xộn, giao thông tắc tỵ, đương nhiên văn hóa ứng xử cũng thay đổi để thích ứng. Cướp hoa, đạp cỏ, để lại rác rưởi sau hội hè, tùy ý sử dụng vỉa hè, lòng đường như của riêng..., đó là nét đặc trưng văn hóa của người Hà Nội hôm nay. Thêm đặc tính nữa là văn hóa “đổ tội”, những gì trái tai gai mắt là do khách ngoại tỉnh gây nên, chỉ mong tết, lễ dân ngụ cư về quê hết trả lại sự thông thoáng cho đường phố Thủ đô. Còn ngày thường, cần cấm xe ngoại tỉnh hoặc đánh thuế nặng phương tiện giao thông vào phố!
Xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại là mong muốn của mọi người và đã trở thành hiện thực một phần. Tuy nhiên, sự “băm nát” là cản trở đến tiến trình của văn minh, hiện đại. Nhận ra điều đó hẳn còn kịp khắc phục bởi lòng dân sẽ nghe theo và ủng hộ. Năm trước, một chiến dịch triệt hạ cây xanh đã bị chặn đứng, điều đó chứng tỏ dân trí, tấm lòng, tình cảm của người dân Thủ đô như thế nào!