Thoả thuận hợp tác với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2023 đưa tỉnh Hải Dương nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố, dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; tới năm 2025, hoàn thiện và vận hành đồng bộ, hiệu quả 3 trụ cột của chuyển đổi số đó là: Chính quyền số – Kinh tế số – Xã hội số, trong đó kinh tế số chiếm 20% GRDP.
Theo đó, nội dung hợp tác gồm các chương trình bao gồm: FPT hỗ trợ, tham vấn cùng tỉnh Hải Dương xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch... về chuyển đổi số, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và nguồn lực của hai bên.
Hỗ trợ, phối hợp, đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện các bộ chỉ số như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI index); chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI); chỉ số cải cách hành chính (PAR index); chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) để tìm ra những giải pháp thúc đẩy triển khai chuyển đổi số cho tỉnh Hải Dương. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh Hải Dương xây dựng, đánh giá bộ chỉ số chuyển đổi của tỉnh áp dụng đối với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong việc định kỳ đánh giá kết quả triển khai chuyển đổi số của tỉnh.
Hỗ trợ khảo sát, rà soát, đánh giá hiện trạng, tham vấn quy hoạch, kiến trúc, mô hình tổng thể về chuyển đổi số, đô thị thông minh, quy hoạch tổng thể phát triển cơ sở dữ liệu đồng bộ, liên thông, lộ trình thực hiện phù hợp với thực tế của Hải Dương.
Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng chủ trì hội nghị chuyển đổi số với Tập đoàn FPT. |
Phối hợp, hỗ trợ cho tỉnh Hải Dương tổ chức truyền thông; hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp và hộ gia đình; tổ chức các hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số, thương mại điện tử trọng tâm là nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, quy hoạch đô thị,…nhằm kết nối với các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phối hợp triển khai các chương trình đào tạo cho các cấp lãnh đạo, cán bộ công chức, cán bộ viên chức (đặc biệt là các cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin); các doanh nghiệp/hộ kinh doanh/người dân trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số.
Tham vấn, hỗ trợ triển khai các chương trình thi đua; đổi mới, sáng tạo để đưa các ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn, tới từng doanh nghiệp/hộ kinh doanh/người dân trên địa bàn tỉnh. Đầu tư xây dựng hệ thống giáo dục đào tạo nguồn nhân lực từ bậc trung học phổ thông đến cao đẳng và hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, an toàn thông tin bậc đại học.
Tham vấn, hỗ trợ trong việc triển khai thí điểm, thử nghiệm (sandbox) đối với các giải pháp, ý tưởng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ tỉnh triển khai các chính sách về an sinh xã hội, trong đó có chương trình hỗ trợ smartphone giá rẻ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hỗ trợ cùng tỉnh Hải Dương rà soát/xây dựng thí điểm triển khai đô thị thông minh đối với 01 đô thị trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của tỉnh và nguồn lực hai bên.
Cũng tại hội nghị, chuyên gia FPT đã giới thiệu mô hình chuyển đổi số trong thời kỳ chống COVID-19. Mô hình gồm các giải pháp chuyển đổi số như: Khai báo y tế điện tử, quản lý di chuyển, truy vết, tầm soát diện rộng; tổ chức xét nghiệm; quản lý tiêm chủng vắc xin và chăm sóc sức khoẻ tại nhà, kết nối y tế khẩn cấp…
Để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thoản thuận hợp tác đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Hải Dương thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương trực tiếp làm Trưởng ban và Ban điều hành do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; các Tổ công tác thực hiện từng chương trình cụ thể. Thành phần tham gia là lãnh đạo các sở, ngành, bí thư, chủ tịch các huyện, thành phố, thị xã.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng khẳng định, sự kiện này sẽ là nền móng, đánh dấu mốc quan trọng về phát triển chuyển đổi số của tỉnh Hải Dương trong tương lai. Đặc biệt, việc ký kết hợp tác được tổ chức theo hình thức trực tuyến; thể hiện sự kết nối không giới hạn, mà chỉ có chuyển đổi số mới đem lại.
Với khát vọng đến năm 2025 tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) trong 5 năm tới tăng bình quân 9% trở lên. Để đạt những mục tiêu đề ra, kinh tế số, chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đó là phấn đấu kinh tế số đến năm 2025 chiếm 20% tổng giá trị sản phẩm.
Chuyên gia FPT đã giới thiệu mô hình chuyển đổi số trong thời kỳ chống COVID-19 tại Hội nghị. |
Theo Bí thư Tỉnh uỷ, với quyết tâm chính trị rất cao, phù hợp xu thế hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định chuyển đổi số sẽ là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để có thể nhanh chóng bắt kịp “con tàu” Cách mạng công nghiệp 4.0. Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành, Tổ thư ký giúp việc và đặc biệt là các Tổ công tác của 7 chương trình phải chủ động, tích cực phối hợp với Tập đoàn FPT để triển khai thực hiện ngay các chương trình hợp tác.
Trước hết, cần tập trung đánh giá đúng thực trạng của Hải Dương với những tiềm năng riêng có, lợi thế khác biệt, năng lực cạnh tranh nổi trội, những hạn chế, khó khăn và thách thức, từ đó tham mưu triển khai, xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện hàng năm với các giải pháp thật cụ thể theo tinh thần "5 rõ"; với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo: "chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả" và "5 rõ".
Có lộ trình chuyển đổi số hàng năm với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo chung là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo sinh kế cho người dân, phát triển kinh tế thương mại số. Nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cho người dân hướng tới hình thành đồng bộ 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ngay trong năm 2021, phấn đấu có sản phẩm chuyển đổi số ứng dụng trong thực tiễn đáp ứng các nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng của tỉnh và phục vụ hoạt động của doanh nghiệp cũng như phục vụ đời sống của nhân dân.
Bí thư Tỉnh uỷ cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị cùng chung tay hành động để đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Tập đoàn FPT để chuyển đổi tổng thể và toàn diện từ cơ quan nhà nước, đến người dân, doanh nghiệp về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số... sớm đưa Hải Dương trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số, có kết quả rõ nét và được hưởng lợi từ chuyển đổi số.