Nạo vét lòng sông làm cảng và… thu cát
Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương tại hai xã Phúc Thành và xã Quang Trung huyện Kinh Môn được khởi công xây dựng vào cuối tháng 3/2016, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào vận hành thương mại sau 36 tháng thi công. Một hạng mục quan trọng của nhà máy này là kè đá, nạo vét đổ thải, nạo vét và bốc dỡ đá hiện hữu, đào đất vận chuyển đổ trong nhà máy, thi công đường từ cảng than cảng thuỷ nội địa do Công ty TNHH Sơn Trường (Hải Phòng) thi công. Tuy nhiên, Công ty Sơn Trường đã không trực tiếp thực hiện công việc mà lại ký hợp đồng và giao cho Công ty TNHH Đông Hải, một doanh nghiệp có trụ sở tại TX Đông Triều, Quảng Ninh thực hiện.
Thực hiện hợp đồng này, Công ty Đông Hải đã thuê nhiều tàu công suất lớn đến hút bùn, cát khu vực cảng thuỷ nội địa cả ngày lẫn đêm. Theo ghi nhận của phóng viên thời điểm cuối tháng 6/2017, tại khu vực cảng đường thuỷ của dự án nhiệt điện BOT Hải Dương, nhiều tàu xi măng và tàu vỏ thép lớn nhỏ đang hăng say hút cát.
Một số người dân xã Phúc Thành cho hay, cát được hút đổ lên bờ. Đến đêm, có nhiều tàu xuất hiện và chở cát đi nơi khác. Sự việc đã diễn ra nhiều tháng nay.
Trao đổi với phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam, ông Lê Văn Bí, Phó Chủ tịch thường trực huyện Kinh Môn khẳng định, cho đến thời điểm này, Công ty Đông Hải vẫn chưa được phép tận thu tài nguyên cát khi thực hiện hợp đồng nạo vét bùn đất, cát sỏi để xây dựng cầu cảng Nhà máy nhiệt điên BOT Hải Dương. Ngày 17/6, tổ công tác của huyện đã xuống kiểm tra và phát hiện có hiện tượng nạo vét, cát sỏi lên tàu và đã lập biên bản làm việc ghi nhận hiện trạng đồng thời đình chỉ mọi hoạt động liên qua đến việc khai thác cát, sỏi.
Tuy nhiên, sau khi phóng viên cung cấp một số thông tin về hoạt động khai thác tài nguyên của Cty Đông Hải trong những ngày gần đây thì ông Bí cho biết,ngày 19/6 đoàn công tác của sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương phối hợp với các phòng ban hữu quan của huyện Kinh Môn kiểm tra hiện trường khai thác cát của Cty Đông Hải. Ngày 20/ 6 Sở Tài nguyên môi trường có chủ trì cuộc họp liên quan đến vấn đề trên và trước mắt đồng ý cho Công ty Đông Hải tiếp tục thi công phần việc của mình để đảm bao tiến độ của dự án. Tất cả số cát, đá nạo vét được phía Công ty Đông Hải không được phép chở đi khi chưa có phép tận thu.
Làm việc với Báo Pháp luật Việt Nam, đại diện Công ty Đông Hải khẳng định việc hút cát là nạo vét lòng sông theo dự án đã được duyệt và không có chuyện lợi dụng dự án để hút cát trái phép. Công ty chỉ nạo vét và nhận tiền công theo khối lượng bùn đất đã được nạo vét. Đối với số cát hút được, hiện Công ty vẫn tập kết trên bờ sông với số lượng hàng chục nghìn mét khối cát và chờ quyết định của cơ quan chức năng cho phép xử lý số cát này.
Chảy máu tài nguyên vì “hút cát trước, giấy phép sau”
Ngày 27/6/2017, Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương có công văn 1026/STNMT-KS báo cáo UBND tỉnh Hải Dương về việc đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị kế hoạch khai thác cát đá trong quá trình thi công cảng thủy nội địa Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương.
Ngày 29/6/2017 Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái ký công văn số 1817/UBND-VP đồng ý với đề xuất trên của Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, văn bản trên nêu rõ khối lượng đăng ký tạm tính là trên 41 nghìn mét khối cát, sỏi; công suất khai thác 13.840 m3/ tháng; thiết bị khai thác 01 máy xúc thủy lực gầu ngược dung tích gầu E= 1,25 m3, 02 ô tô tự đồ loại 13 tấn hoặc tương đương, 01 tàu hút công suất 500m3/ ngày; máy bơm nước và các thiết bị khác.
So với nội dung mà UBND tỉnh Hải Dương đồng ý về chủ trương về công suất và phương tiện khai thác cát tại cảng thuỷ nội địa dự án nhiệt điện BOT Hải Dương thì rõ ràng hiện nay công tác quản lý đối với việc nạo hút cát tại vị trí này đang bị buông lỏng và hàng chục nghìn mét khối cát đã được nạo hút khỏi lòng sông không được quản lý.
Thực tế hiện nay, bên cạnh hàng chục nghìn mét khối cát đã được hút thì vẫn còn cả chục tàu hút cát đang hoạt động. Nhiều ý kiến cho rằng, với số lượng phương tiện, thời gian hoạt động “nạo vét” kéo dài như vừa qua thì việc nạo vét lẽ ra đã phải hoàn thành nhưng hiện nay vẫn có rất nhiều phương tiện hoạt động liên tục nạo vét lòng sông. Điều nay đã đặt ra câu hỏi, liệu có việc Công ty Đông Hải “mượn gió để bẻ măng” khi tận thu khoáng sản trong quá trình thực hiện nạo vét cảng đường thuỷ nội địa này hay không?
Đối với số cát đã được hút và hiện đang tập kết tại bờ chờ xử lý thì UBND tỉnh Hải Dương liệu còn có hướng xử lý nào khác ngoài việc phải thừa nhận đây sẽ là tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp và buộc doanh nghiệp phải nộp thuế tài nguyên đối với khối lượng sản phẩm cát đã “tận thu” được từ việc nạo vết bến cảng. Nhà nước sẽ thu được thuế tài nguyên nhưng ở tình thế “đã rồi” và nguồn lợi lớn vẫn thuộc về người hút cát. Như vậy, việc hút có phép hay không có phép cũng không còn ý nghĩa gì.
Điều này rõ ràng các cơ quan chức năng phải kiểm tra và có câu trả lời rõ ràng để tránh cho việc tỉnh Hải Dương thêm một lần nữa phải “thu thuế tài nguyên” trong hoàn cảnh giống như chuyện “con đặt đâu, cha mẹ phải ngồi đó” vậy.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.