Theo đó, mục tiêu của nội dung này chính là đẩy mạnh phát triển và nâng cấp đô thị nhằm hướng tới mục tiêu là thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai; Phát triển các khu đô thị lớn theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại có sức thu hút người dân trong và ngoài tỉnh đến sinh sống và làm việc; Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn nhằm thúc đẩy quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Hải Dương sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển đô thị, chương trình phát triển nhà ở của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, 2035 để có cơ sở lập quy hoạch đô thị tương ứng, phấn đấu phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng theo kế hoạch phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp, phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với hạ tầng đồng bộ, bền vững; bảo đảm đô thị có nhiều công trình kiến trúc điểm nhấn, nhiều không gian công cộng, công viên, cây xanh...
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương trình bày dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025. |
Tỉnh sẽ tập trung các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị, kinh tế ban đêm, nhất là phát triển dịch vụ đô thị nhằm tạo nền tảng vững chắc cho phát triển đô thị và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của dân cư đô thị. Đồng thời chú trọng phát triển văn hóa đô thị, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa văn minh; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống đô thị.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao cùng với việc thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn có định hướng, tập trung vào việc quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng, huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo kiến trúc cảnh quan đô thị nông thôn một cách hài hòa với thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn, thu hẹp khoảng cách với đô thị. Hệ thống hạ tầng thông tin sẽ được đầu tư hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, để xây dựng xã hội số và xây dựng các cấu phần của đô thị thông minh.
Ngoài ra, TP Hải Dương sẽ được phát triển để trở thành đô thị xanh, thông minh, thân thiện, an toàn, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của tỉnh, là đầu tàu, động lực phát triển quan trọng cho các địa phương khác trong toàn tỉnh. TP Chí linh là TP du lịch tâm linh, sinh thái, xanh, hiện đại, là đô thị nghỉ dưỡng khám phá, trải nghiệm, vui chơi giải trí hấp dẫn của quốc gia và khu vực. Thị xã Kinh Môn trở thành thành phố xanh, hiện đại phát triển toàn diện là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng phía Đông bắc của tỉnh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. |
Tỉnh cũng thực hiện nâng cấp và phấn đấu xây dựng các huyện Bình Giang, Nam Sách đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2025. Các huyện như Cẩm Giàng, Gia Lộc, Thanh Miện, Kim Thành, Ninh Giang trở thành đô thị loại IV trước năm 2030 và nâng cấp các xã có điều kiện kinh tế phát triển trên địa bàn tỉnh trở thành đô thị loại V theo lộ trình phát triển đô thị. Việc tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin định hướng phát triển đô thị sẽ luôn được chú trọng nhằm huy động các nguồn lực xã hội đầu tư chỉnh trang, phát triển đô thị.
Để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, trong dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 còn đề cập các nội dung như: Chương trình phát triển kinh tế nhanh, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ, giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình bảo đảm an sinh xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025; Chương trình xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, ngang tầm nhiệm vụ, giai đoạn 2021 – 2025.
Hải Dương nằm ở trung tâm châu thổ Đồng bằng sông Hồng, là một trong 7 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Đây là trung tâm kinh tế năng động và là đầu tàu kinh tế quan trọng của miền Bắc và cả nước. Tỉnh có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm: 02 thành phố, 01 thị xã và 09 huyện. Trong đó, TP Hải Dương chính là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa lớn của cả tỉnh.
Hệ thống kết cấu hạ tầng trong tỉnh cơ bản hoàn chỉnh, thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, tạo liên kết đồng bộ với các tỉnh trong Vùng. Hệ thống hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đầu tư cơ bản đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 11 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 1.470 ha; thu hút tỷ lệ diện tích đã cho thuê bình quân đạt 81%. Ngoài ra, có 37 cụm công nghiệp nằm rải rác tại các vị trí thuận lợi ở 11/12 huyện, thị trong tỉnh, với tổng diện tích 1.587 ha; thu hút khoảng 400 dự án đầu tư, tỷ lệ đã cho thuê đạt 70,8%. Tính đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 509 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 7,7 tỷ USD; thu hút trên 200 nghìn lao động trực tiếp cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 tăng 8,7% so với năm trước, bình quân giai đoạn 2015-2019 tăng 9,3%/năm; quy mô kinh tế đạt 127.939 tỷ đồng; đứng thứ 11 cả nước; cơ cấu kinh tế tập trung vào công nghiệp và dịch vụ với tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 59,1% và dịch vụ là 32,1%; còn lại nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 8,8%. GRDP bình quân đầu người đạt 67,5 triệu đồng/người (2.947 USD/người). Giá trị hàng hoá xuất khẩu năm 2019 ước đạt 7,5 tỷ USD; giai đoạn 2015-2019 tăng bình quân 14,8%/năm; luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có giá trị xuất khẩu cao nhất cả nước.