Hải Dương tập trung hỗ trợ để phấn đấu tăng 15% số doanh nghiệp

(PLVN) - Đó là thông tin của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hải Dương đưa ra trong Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp các vấn đề liên quan đến pháp luật lao động.
Hàng trăm doanh nghiệp của Hải Dương đã tham gia đối thoại với các sở, ban, ngành về các vấn đề liên quan đến pháp luật.
Hàng trăm doanh nghiệp của Hải Dương đã tham gia đối thoại với các sở, ban, ngành về các vấn đề liên quan đến pháp luật.

Theo đó, thực trạng phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 đã có bước phát triển mạnh mẽ. Trong 5 năm, tỉnh Hải Dương có 7.660 doanh nghiệp thành lập mới, tăng bình quân 10,2%, vốn đăng ký tăng 21,8%/năm.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trình độ, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp của đội ngũ doanh nhân được nâng lên. Đến cuối năm 2020 dự kiến trên  địa bàn tỉnh có 13.936 doanh nghiệp (nếu tính cả các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp có khảng trên 15.300 doanh nghiệp).

Một số doanh nghiệp có quy mô lớn, mô hình quản lý tiên tiến, xây dựng và phát triển được thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp như: Công ty Thép Hòa Phát, công ty cổ phần An Phát, công ty xi măng Hoàng Thạch, công ty Ford, công ty Tung Kuang, công ty Sumidenso…

Tuy nhiên, quy mô của các doanh nghiệp còn nhỏ, trình độ công nghiệp, trình độ quản trị của doanh nghiệp còn ở mức thấp. Theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp thì phần lớn số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương là các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ (chiếm tỷ lệ 97%). Trong đó có tới 63% là doanh nghiệp siêu nhỏ. Đồng thời chỉ có 1,54% số doanh nghiệp là các doanh nghiệp lớn. Khả năng, hiệu quả liên kết giữa khu vực doanh nghiệp dân doanh với doanh nghiệp khu vực FDI còn thấp, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.

Đặc biệt trong năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có tới 80% số doanh nghiệp chịu tác động, ảnh hưởng của đại dịch. Hoạt động của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp chịu tác động do đứt gãy chuỗi cung ứng liên quan tới các nước có mức độ dịch bùng phát lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Châu Âu.

Doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực chịu tác động nặng nề, thiếu nguyên liệu, phụ kiện cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu phải tạm dừng hoạt động hoặc tạm dừng một phần như: sản xuất da giầy, dêt may, vật liệu xây dựng, ô tô…

Các dịch vụ như vận tải hành khách, du lịch dịch vụ, khách sạn nhà hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng,  đã dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế năm 2020 giảm sâu, thu ngân sách nhà nước giảm, đời sống của người lao động gặp khó khăn.

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Hải Dương, mục tiêu của tỉnh phấn đấu năm 2021 – 2025 số lượng doanh nghiệp tăng bình quân 15% trở lên. Để phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp thích ứng với tình hình dịch bệnh, sớm vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch, phục hồi ổn định sản xuất kinh doanh.

Đồng thời thực hiện những cơ chế chính sách, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, công khai minh bạch thông tin chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với vốn tín dụng….

Đọc thêm