Thu hút đầu tư nước ngoài hơn 1 tỷ USD
Trong bối cảnh tăng trưởng chung của cả nước chưa đạt như kỳ vọng, tỉnh Hải Dương đã chủ động xây dựng các kịch bản phát triển phấn đấu ở mức cao nhất, nhờ đó địa phương tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá so với mức trung bình chung của cả nước. Tình hình kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, dự kiến có 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra.
Theo Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của UBND tỉnh Hải Dương, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá hiện hành) ước đạt hơn 184 nghìn tỷ đồng, tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 11/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê ước tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương đạt 8,16% (kế hoạch năm tăng trên 9%). Tổng cầu của nền kinh tế tăng khoảng 10,4% so với năm trước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành: Nông, lâm, thủy sản - Công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tương ứng là 8,8% - 61,8% - 29,4%.
Lĩnh vực công nghiệp đã dần phục hồi và có sự chuyển biến tích cực; các đề án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; xây dựng chương trình khuyến công của địa phương tiếp tục thực hiện. Trong năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Hải Dương ước đạt hơn 336 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (HP) năm 2023 ước tăng 8,3%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng khá so với cùng kỳ như: Điện sản xuất tăng 17%; thức ăn chăn nuôi tăng 11,3%; sắt, thép không hợp kim tăng 6,2%; lắp ráp ô tô tăng 37,7%.
Trong năm 2023, lĩnh vực đầu tư công cũng được tỉnh phân bổ và triển khai ngay từ đầu năm. Để đẩy nhanh tiến độ, UBND tỉnh Hải Dương đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp để tập trung chỉ đạo và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng về thủ tục đầu tư, triển khai dự án; đặc biệt là các vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng tồn tại từ nhiều năm trước. Đến nay một số dự án đã cơ bản giải quyết xong như: Dự án xây dựng tuyến đường trục Đông - Tây (tỉnh Hải Dương); Đầu tư xây dựng đường trục Bắc - Nam (huyện Thanh Miện, giai đoạn 1); Đầu tư xây dựng đường tỉnh 394B (đoạn từ QL5 đến KCN Phúc Điền mở rộng); Xây dựng đường gom đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Kim Thành…
Hoạt động đầu tư của tỉnh Hải Dương có nhiều khởi sắc. Tổng số vốn đầu tư phát triển xã hội ước đạt gần 61 nghìn tỷ đồng, tăng 15%. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với GRDP ước đạt 33,1% vượt kế hoạch đề ra (33%). Nổi bật nhất phải kể để hoạt động thu hút đầu tư, tăng vượt bậc về vốn đăng ký cả trong nước và nước ngoài.
Theo đó, đầu tư nước ngoài đạt kết quả rất cao, tổng vốn đăng ký đạt 1 tỷ 136 triệu USD, tăng gấp 3,1 lần so với năm trước. Trong đó, 74 dự án được cấp mới với vốn đăng ký 990 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn 32 dự án với số vốn tăng thêm 140 triệu USD; 15 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn vốn 6 triệu USD.
Đầu tư trong nước, tổng số vốn đăng ký là gần 12 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 5,6 lần so với năm trước. 47 dự án mới được chấp thuận chủ trường đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 7,3 nghìn tỷ.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 534 dự án FDI đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ với vốn đăng ký là hơn 10 tỷ USD; có 284 dự án nằm trong khu công nghiệp (KCN), tổng số vốn gần 6 tỷ USD.
KCN Đại An gần 200ha được đánh giá là KCN kiểu mẫu của tỉnh với hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế. |
Năm 2024: phấn đấu đạt 15/15 chỉ tiêu kinh tế và xã hội
Tính đến nay, Hải Dương đã giải ngân được gần 3,6 nghìn tỷ đồng, ước cả năm tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt trên 95%. Tiến độ lập phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị; điều chỉnh chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh đến năm 2030; lập đề án phân loại đô thị theo quy định cũng được tỉnh Hải Dương đẩy nhanh. Địa phương đã hoàn thành đề án phân loại nâng cấp đô thị cho TP Hải Dương (đô thị loại I), TP Chí Linh (đô thị loại III), thị xã Kinh Môn (đô thị loại IV); các xã Thanh Quang (huyện Nam Sách), Hưng Đạo (huyệnTứ Kỳ) và Đoàn Tùng (huyện Thanh Miện) đạt tiêu chí đô thị loại V. Hiện nay, UBND huyện Cẩm Giàng đang lập đề án phân loại thị trấn Lai Cách theo tiêu chí đô thị loại IV.
Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được Hải Dương nâng lên ở mức cao mới. Hiện tỉnh có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến cuối năm 2023, dự kiến địa phương có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao đối với huyện Cẩm Giàng.
Từ những kết quả khả quan đó, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu trong năm 2024, địa phương sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả hơn nữa các ngồn lực xã hội để tạo ra sự phát triển bứt phá hơn nữa. Hải Dương phấn đấu đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu kinh tế và xã hội trong năm tới.
Trong đó, 7 chỉ tiêu về kinh tế, bao gồm: Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 9% trở lên; Tỷ lệ vốn đầu tư phát tiển trên địa bàn so với GRDP đạt 35%; Thu ngân sách nội địa phấn đấu tăng 10% so với dự toán; Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 205 triệu đồng; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt 16,8%; Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 15% so với thực hiện năm 2023; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42%.
FDI là một trong những nguồn lực quan trọng giúp Hải Dương phát triển và tạo ra những giá trị khác biệt. (Ảnh minh họa) |
Đối với 6 chi tiêu về xã hội, Hải Dương đặt mục tiêu: Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 32,7%; Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 46,5%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số đạt 93,8%; Tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, mầm non 70,5%, tiểu học 96,7%, THCS 92%, THPT 75%; Số giường bệnh (không tính các trạm y tế cấp xã) đạt 32,7 giường/vạn dân; 9,8 bác sĩ/vạn dân; Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo cuối năm còn 1,2%.
Đối với 2 chỉ tiêu về môi trường Hải Dương đặt mục tiêu, 100% các cụm công nghiệp (có chủ đầu tư hạ tầng) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; Tỷ lệ các dự án thuộc đối tượng được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đạt 100%.
Để thu hút đầu tư, việc phát triển kết cấu hạ tầng được địa phương đặc biệt chú trọng. Cùng với việc triển khai những dự án giao thông trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường dây và trạm biến áp 110kV, 220kV, 500kV trên địa bàn… tỉnh Hải Dương cũng rất quan tâm đến việc phát triển các khu, cụm công nghiệp (CCN).
Hải Dương hiện có 17 KCN đã được thành lập, với diện tích hơn 2.700ha. Tỷ lệ lấp đầy đạt gần 53%. Trong đó, có 12 KCN đã đầu tư xây dựng và kinh doanh với diện tích, tỷ lệ lấp đầy hơn 72%. Có 4 KCN đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng, gồm Gia Lộc, Tân Trường mở rộng, Phúc Điền mở rộng, Kim Thành; và giai đoạn 2 của Đại An mở rộng. Còn có thêm 1 KCN Lương Điền - Ngọc Liên có diện tích gần 150ha đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư năm 2023.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có 58 CCN đã được thành lập với tổng diện tích gần 3.000ha. Trong đó, 32 CCN đã có dự án thứ cấp vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%. Riêng CCN Lương Điền đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chưa có dự án thứ cấp vào hoạt động, còn lại 25 CCN đang được các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật triển khai các thủ tục để thực hiện đầu tư.