Hải Dương tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu có quy mô thương mại lớn đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hội nghị diễn ra vào sáng 18/5, tại hội trường Trung tâm Văn hoá Xứ Đông (TP Hải Dương). Có gần 300 nhà nhập khẩu nước ngoài giao thương trực tuyến với các doanh nghiệp Việt Nam.
Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu có quy mô thương mại lớn đầu tiên ở Hải Dương
Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu có quy mô thương mại lớn đầu tiên ở Hải Dương

Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021 do UBND tỉnh Hải Dương phối hợp các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, được tổ chức trực tiếp và kết nối trực tuyến với 36 điểm cầu chính trong và ngoài nước, trong đó có 5 điểm cầu trong nước và 31 điểm cầu nước ngoài ở 12 quốc gia. Ngoài ra còn có nhiều điểm cầu phụ. 

Hội nghị diễn ra với các nội dung như khởi động “Chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử” thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; lễ ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử; ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các sàn thương mại điện tử với đại diện các doanh nghiệp, nhà sản xuất vải thiều và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương. Ở hội nghị có 42 bàn trưng bày các nông sản tiêu biểu của tỉnh.

Tại các điểm cầu trực tuyến ở 12 quốc gia có sự tham dự của các đồng chí Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, Thương vụ Việt Nam.

Quang cảnh hội nghị.
 Quang cảnh hội nghị.

Đây là hội nghị xúc tiến thương mại có quy mô quốc tế đầu tiên Hải Dương tổ chức. Hội nghị có trên 50 cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương đến dự và đưa tin. Ngoài ra, thông qua cầu truyền hình trực tuyến, nhiều cơ quan báo chí quốc tế, DN nước ngoài cùng theo dõi và đưa tin về hội nghị này.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam. Ban tổ chức đã chuẩn bị, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Các đại biểu dự trực tiếp tại hội nghị thực hiện đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, ngồi giãn cách...

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái.
 Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái.

Hội nghị là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, nằm trong chuỗi các sự kiện kết nối, tiêu thụ vải thiều, nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP năm 2021 của tỉnh Hải Dương. Đây là dịp để các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng nông sản quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Qua đó, giúp các đơn vị liên kết, hợp tác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao thương và mở rộng thị trường. Hội nghị sẽ góp phần giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, các chính sách khuyến khích, ưu đãi của tỉnh vào lĩnh vực nông nghiệp; từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho cây vải, hàng nông sản của tỉnh theo hướng bền vững.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
 Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Khai mại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái nhấn mạnh, Hải Dương được biết đến không chỉ là mảnh đất truyền thống lịch sử, văn hóa mà còn nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nổi bật là vải thiều Thanh Hà.

Với lợi thế hơn 60% diện tích đất nông nghiệp, 70% dân số sống ở khu vực nông thôn và nhiều ưu đãi về điều kiện tự nhiên, Hải Dương được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp với những sản phẩm nông nghiệp phong phú, năng suất tốt, chất lượng cao.

Khai thác thế mạnh này, sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và chuyển dần sang phương thức sản xuất hữu cơ. Mỗi năm, Hải Dương cung cấp ra thị trường 750.000 tấn gạo, 700.000 tấn rau, củ, 300.000 tấn trái cây và 200.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Đặc biệt, Hải Dương có đặc sản vải thiều Thanh Hà nức tiếng gần xa đã có bảo hộ chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm tới xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời tăng cường kết nối giao thương, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tới khảo sát, thu mua, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Những năm qua, thông qua hoạt động này, việc tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản Hải Dương nói chung đã đạt được kết quả khả quan. Ngoài việc tiêu thụ trong nước, vải thiều và nhiều nông sản của Hải Dương đã có mặt ở những thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia...

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
 Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng.

Đánh giá cao những kết quả mà Hải Dương đã và đang đạt được Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ghi nhận việc Hải Dương đã vượt qua chính mình trong đại dịch COVID-19 bằng tư duy mới trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Bằng tài hoa, trí tuệ, tâm huyết, nông dân Hải Dương đã tạo nên một bức tranh nông nghiệp đa dạng, phong phú.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Hải Dương cần định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Tỉnh cần có giải pháp tích hợp đa giá trị trong xây dựng thương hiệu nông sản. Trong đó, quan tâm việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, ưu tiên những nông sản thế mạnh…

Phát biểu bế mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng khẳng định Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021 là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Hải Dương. Bí thư Tỉnh uỷ gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ, các bộ, cấp ngành và bà con nhân dân đã quan tâm và ủng hộ chính quyền, nhân dân Hải Dương.

Các sàn thương mại điện tử ký thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp sản sản xuất, thu mua chế biến nông sản của tỉnh Hải Dương.
 Các sàn thương mại điện tử ký thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp sản sản xuất, thu mua chế biến nông sản của tỉnh Hải Dương.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ, từ bao đời nay người dân Hải Dương luôn có truyền thống văn hiến ngàn đời là niềm tự hào, là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt, sức bật mạnh mẽ của Hải Dương trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Trong nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương đã phát triển theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng của sản phẩm, phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Với những kết quả sản xuất nông nghiệp được giới thiệu tại Hội nghị hôm nay, một lần nữa khẳng định, Hải Dương đang đi đúng hướng về phát triển kinh tế nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản đa dạng, phong phú, chất lượng và sản lượng cao, đặc biệt là sản phẩm vải thiều Thanh Hà nổi tiếng trong và ngoài nước với “hương thơm, vị đậm” rất đặc trưng cho văn hóa của người Hải Dương và mảnh đất Xứ Đông văn hiến, anh hùng.

Vải Hải Dương đang vươn tầm ra thị trường bên ngoài.
 Vải Hải Dương đang vươn tầm ra thị trường bên ngoài.

Hải Dương luôn quan tâm chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, việc tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu là một thách thức lớn.

Hải Dương sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số và áp dụng các phương pháp canh tác tiêu chuẩn để sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc trưng.  

Đẩy mạnh thực hiện liên kết bốn nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) nhằm đưa nông sản của tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Tập trung thu hút, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ liên kết trong sản xuất nông nghiệp; có cơ chế chính sách ưu đãi để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến sâu; có cơ chế hỗ trợ đối với việc thành lập cụm công nghiệp chế biến nông sản...