Hãi hùng tục mai táng người bằng...kiến

(PLO) - 
Quần đảo Solomon là một đảo quốc của người Melanesia, nằm ở phía Đông của đất nước Papua New. Nơi đây được mệnh danh là Xứ đảo thần tiên bởi không chỉ có biển, san hô, núi lửa mà còn có người Melansia sinh sống với những phong tục, nghi thức kỳ lạ từ lâu đời, trong đó phải kể đến phong tục mai táng  người chết bằng kiến vô cùng độc đáo . 

 Đảo sọ người Nusa Kunda.
Đảo sọ người Nusa Kunda.
Quốc đảo xinh đẹp
Quần đảo Solomon từng sống biệt lập với thế giới trong suốt hàng ngàn năm cho đến khi bị người Anh xâm chiếm vào thập niên 1890 và đã thiết lập nền bảo hộ cho vùng đất này. Trong thời gian 1942-1945, đảo quốc này chịu tổn thất rất lớn trong chiến tranh thế giới thứ 2. 
Năm 1976, chính quyền tự trị ra đời và 2 năm sau đó, Solomon chính thức trở thành quốc gia độc lập và là một thành viên thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh. Giờ đây, quốc đảo đã hoàn toàn thay đổi cùng với sự xâm nhập và ảnh hưởng của nền văn minh hiện đại.  
Quần đảo Solomon là một quốc gia kém phát triển, hơn 75% người dân nơi đây sinh sống chủ yếu dựa vào hoạt động kinh tế tự cung tự cấp, đánh bắt cá. Người Solomon theo đạo truyền thống của tổ tiên, không ăn cua, tôm, động vật nhiều chân, máu trắng vì vậy, cá là thực phẩm được ưu thích nơi đây. Mặc dù đời sống còn khó khăn nhưng người dân nơi đây rất thân thiện và mến khách. 
Solomon còn được cho là đảo quốc của người Melanesia, bởi  tộc Melanesia chiếm tới 94% dân số đất nước. Thủ đô Honiara nằm trên đảo Guadalcanal. Dân Solomon hầu hết là da đen, tóc hình như không cắt bao giờ nên rất dài, phơi nắng dưới thời tiết 30 – 400 độ C không mũ nón nên tóc ai cũng vàng hoe. Tập tục đa thê cũng được cho là rất phổ biến trên quần đảo này, các bé gái và phụ nữ chỉ được coi là công cụ trong hoạt động tình dục. 
Du lịch, đặc biệt là lặn biển, là một ngành công nghiệp dịch vụ quan trọng của Quần đảo Solomom , trong đó bãi biển Honiara là nơi nổi tiếng cho khách du lịch tắm biển và xuống đáy đại dương ngắm cá. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành này đã bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng và các giới hạn về vận tải. Ngành đánh cá trên Quần đảo Solomon cũng là lĩnh vực quan trọng đóng góp vào xuất khẩu và phát triển kinh tế.
Dù nhân khẩu tương đối phức tạp nhưng mỗi tộc người đều sở hữu những phong tục, tâp quán lâu đời. Trong văn hoá truyền thống của Quần đảo Solomon, các phong tục cũ được truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác, những tinh thần được truyền lại từ nhiều đời này đã hình thành nên các giá trị văn hoá của Quần đảo. 
Người dân Solomon vẫn tổ chức các hoạt động truyền thống, nhảy múa ở bất cứ đâu... Họ thích nét đẹp hoang sơ trong từng bộ trang phục cũng như họ duy trì và bảo tồn những đặc sắc văn hóa, các phong tục truyền thống cũ. 
Nghi thức mai táng có một không hai
Giống như nhiều đất nước khác, Quần đảo Solomon đã thay đổi rất nhiều sau khi những nhà truyền giáo đặt chân đến nơi này. Nhiều phong tục, tập quán truyền thống từ nhiều thế kỷ trước của họ bị cho là không phù hợp và dần trở nên mai một, trong đó có phong tục mai táng người chết bằng kiến.
Khi đến với Solomom, hầu như khách du lịch nào thích khám phá mạo hiểm thường sẽ đến hòn đảo Nusa Kunda. Để đến được hòn đảo này, phải mất đến 2 lần vượt biển. Đầu tiên, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bãi biển cát trắng trải dài với màu nước xanh trong hay những ngọn núi lửa nơi đây, sau đó sẽ khám phá bức tường tuyệt đẹp với những rặng san hô và những sinh vật dưới nước đầy màu sắc và đến đảo Nusa Kunda. 
Đó là một hòn đảo nhỏ, trung tâm của hòn đảo có một ngôi đền được xây dựng bằng san hô, từ xa có thể nhìn thấy thấp thoáng những chiếc đầu lâu ở trong đền. Khi tới nơi, sẽ có một người được gọi là người cai quản ngôi đền hướng dẫn, giới thiệu về lịch sử của ngôi đền và  phong tục truyền thống ma chay của người Solomon.  
Những hộp sọ được sắp xếp theo đẳng cấp
Những hộp sọ được sắp xếp theo đẳng cấp 
Đây có thể nói là một phong tục khác lạ, riêng biệt và vô cùng độc đáo, một nét văn hoá kỳ lạ mà tổ tiên của họ đã truyền lại qua nhiều thế hệ. Theo truyền thống của người Solomon, sau khi một người chết đi, họ không chôn cất người quá cố. 
Họ sẽ mang thi thể người quá cố tới một nơi hoang vu, cách xa chỗ ở để cho những đàn kiến “ăn dần” cho đến khi hết phần da thịt bên ngoài và chỉ còn trơ lại bộ xương (gọi là kiến táng).  Riêng phần hộp sọ sau đó sẽ được thu lượm nhặt lại và mang đến đặt trên một hòn đảo nhỏ Nusa Kunda, giống như một khu vực nghĩa trang. 
Ngoài ra, mỗi làng thường sẽ có một miếu thờ riêng của mình và họ thường mai táng những thành viên trong làng ở những ngôi đền này. 
Khu nghĩa trang trông có vẻ sơ sài, lộ liễu, hộp sọ mang lên đảo thường được đặt theo từng nhóm trong các ngôi mộ chung xây dựng đơn sơ bằng gỗ, đá và các tảng san hô tìm được ngay trên hòn đảo. Tuy nhiên, những hộp sọ này lại được sắp xếp theo một trật tự nghiêm ngặt dựa vào đẳng cấp của mỗi người. 
Những hộp sọ ở phía dưới cùng thường là những kẻ hèn kém, những người bình dân, nô lệ và thậm chí là những tù binh bị bắt trong cuộc chiến xung đột sắc tộc trước đây. Những người này chỉ được mai táng một cách đơn giản và không có đồ tuỳ táng mang theo. 
Những hộp sọ ở vị trí cao hơn thường là người có địa vị và chức sắc trong làng, những nhà lãnh đạo, những người giàu có và quyền lực hay những chiến binh anh hùng. Hộp sọ của những người này được “mai táng” cẩn thận, trang trọng hơn, thường là được đặt trong những vách ngăn tạo thành từ đá để che mưa nắng. 
Vật tuỳ táng của họ thường là đồ trang sức, tiền bằng vỏ ngao được chạm khắc một cách tinh xảo và đẹp mắt. Có thể đối với những ai lần đầu đến đây, Nusa Kunda  là một nơi ma quái và khiến nhiều người phải sợ hãi với  những ngôi mộ tập thể và những chiếc đầu lâu. Tuy nhiên, đối với người dân địa phương, Nusa Kunda lại là 1 trong những nơi linh thiêng và được tôn kính nhất. 
 Ngoài ra, quốc đảo xinh đẹp này còn có một phong tục vô cùng độc đáo khác nữa. Tại hòn đảo nhỏ bé Tikopia thuộc quần đảo Solomon, người đàn ông thường không xuất tinh trong mỗi lần “lâm trận”, trừ khi có sự giúp đỡ đặc biệt hoặc không “kiềm chế” được. 
Tuy nhiên, điều hài hước là ở chỗ không ai có thể kiểm tra quy định này đã được thực hiện đúng hay chưa. Và khi người phụ nữ có thai thì lý do được đưa ra cũng rất hợp lý, hợp lệ rằng: Người đàn ông đã “không thể kiểm soát được”. Vậy nên những đứa trẻ vẫn được ra đời đều đặn. 
Giờ đây, do ảnh hưởng của thế giới hiện đại, cư dân của các bộ tộc Solomon không còn mai táng người thân theo cách từ hàng nghìn năm trước nữa mà đã bắt đầu chôn cất người quá cố ở những khu nghĩa trang riêng biệt. Mặc dù vây, họ vẫn cố gắng giữ gìn và trân trọng nó như là một trong số ít những nét văn hóa truyền thống lâu đời còn chưa bị lãng quên…/.

Đọc thêm