“Ổ chuột” 6 triệu con
Ông Pierre Falgayrac, chuyên gia về vệ sinh và an toàn, chuyên đào tạo về quản lý chuột ở đô thị, cho biết cứ 1 người dân, thì Paris có tới gần 2 con chuột. Hiện ở Paris có khoảng 4-6 triệu con chuột.
Do đâu mà Paris lại trở thành một “ổ chuột” khổng lồ đến vậy? Đó là ý thức của người dân và vấn đề vệ sinh không đảm bảo tại một số địa điểm trong thành phố. Ông Reynald Baudet, một chuyên gia về diệt chuột, đưa ra thêm lý do từ trước tới nay, vẫn có rất nhiều chuột trong hệ thống cống thoát nước, nhưng việc thi công xây mới hay sửa sang các công trình nhà cửa khiến chuột phải rời hang và bò lên mặt đất tìm nơi trú ẩn mới.
Bác sĩ Georges Salines, giám đốc cơ quan Sức khỏe Môi trường Paris cho rằng thức ăn thừa rơi vãi tại các nơi công cộng và trong các thùng rác không đóng kín trên đường phố mới là nguyên nhân chủ yếu khiến chuột sinh sôi, nảy nở nhanh chóng. Thêm vào đó, nhiều người dân lại rắc thức ăn cho chuột, giống như cho chim bồ câu ăn vậy, coi như “một thú vui mới của nhiều người dân Paris”.
Ngoài ra, cũng phải kể tới việc nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm và nhà hàng vứt lẫn lộn các loại rác thải với thức ăn, thực phẩm thừa vào cùng một thùng rác nên thu hút nhiều chuột tới, đặc biệt là ở các khu vực có nhiều cống thoát nước.
Để duy trì sự sống, chuột cần ba yếu tố cơ bản là thức ăn, nước uống và hang ổ. Chỉ cần triệt tiêu được một trong ba yếu tố này là có thể hạn chế sự sinh sôi, nảy nở của loài gặm nhấm này. Vì mỗi con chuột mỗi năm ăn hết khoảng 9kg thức ăn, nên để giải quyết tận gốc vấn nạn chuột thì điều thiết yếu phải là xử lý rác thải, đặc biệt là các loại thức ăn thừa để chặn nguồn thức ăn của chuột, khiến chúng không thể sinh sôi nhanh chóng.
Và đặc biệt, việc dọn vệ sinh, thu gom rác thải phải được tiến hành vào buổi chiều tối, trước giờ chuột rời hang lên mặt đất tìm thức ăn. Hiện ở Paris, thùng rác được các hộ gia đình, cửa hàng, siêu thị đẩy ra vỉa hè vào buổi tối, nhưng nhân viên môi trường đô thị chỉ đi thu gom rác vào buổi sáng sớm hôm sau. Điều này có nghĩa là chuột vẫn có cả đêm để lùng sục thức ăn trong các thùng rác để trên vỉa hè, nhất là các thùng rác không được đậy kín nắp.
Chuyên gia Pierre Falgayrac đưa ra 4 đề xuất: 1. Dùng các chất diệt chuột sinh học chỉ để diệt chuột cống gần khu vực buôn bán thực thẩm, nhà hàng, siêu thị. 2. Đặt bẫy chuột cơ học không độc hại cho con người và các loài vật khác luân phiên tại các công viên, vườn hoa. 3. Phun nước dọn rửa vỉa hè hai lần một ngày, nhất là tại các khu vực có nhà hàng, siêu thị. 4. Diệt chuột một tháng trước khi cải tạo hay xây mới các công trình để tránh chuột chạy lan sang các nơi khác.
Chuyên gia Pierre Falgayrac quả quyết nếu áp dụng bốn biện pháp trên, chỉ sau ba tháng, số chuột sẽ giảm xuống tỉ lệ dưới 1 con chuột/ 1 người dân. Ở ngưỡng này, người ta sẽ không còn thấy chuột trên mặt đất vào cuối ngày nữa.
Tiêu diệt, hay chỉ hạn chế số lượng?
Chính quyền Paris có quan điểm là chuột không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe mà còn gây mất mỹ quan đô thị và gây thiệt hại về kinh tế. Thị trưởng thành phố hồi đầu năm 2017 cho biết là thành phố đã thông qua một kế hoạch hành động trên quy mô rộng với 10 biện pháp mới nhằm làm sạch thành phố và diệt chuột, đặc biệt bổ sung 1,5 triệu euro cho công tác diệt chuột. Số tiền sẽ được dùng để mua thêm bẫy chuột, cải tiến các thùng rác để chuột không chui vào lấy thức ăn được nữa và tăng cường hoạt động diệt chuột ở những nơi có nhiều chuột cống.
Đây không phải là chiến dịch diệt chuột đầu tiên của Paris. Hàng năm, cứ vào mùa xuân, sở cảnh sát Paris lại phát động chiến dịch diệt chuột và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân. Năm 2000, sở cảnh sát Paris từng thành lập một đơn vị gồm 6 cảnh sát, chuyên điều tra các nhà kho, tầng hầm, sân và khu vực để thùng rác bên trong các khu chung cư và hệ thống cống thoát nước để tìm và diệt loài gặm nhấm này.
|
Trẻ em Paris từng đổ xô đi mua chuột sau khi bộ phim hoạt hình "Ratatouille" ra mắt năm 2007 |
Thế nhưng giới chuyên gia và người dân không nghĩ như vậy. Về phía người dân, như trên đã nói, nhiều người lại rắc thức ăn cho chuột, giống như cho chim bồ câu ăn vậy, coi như “một thú vui mới”. Còn chuyên gia Pierre Falgayrac lưu ý rằng điều quan trọng là “điều chỉnh dân số” chuột cống ở Paris chứ không phải tìm cách tiêu diệt hoàn toàn loài vật này bởi vì “chuột cống không quá nguy hiểm như người ta vẫn lo sợ”.
Chuyên gia Pierre Falgayrac cho rằng: “Nếu đúng chuột cống là vật chủ truyền bệnh dịch hạch, thì con người đã chết hàng loạt kể từ khi có hệ thống cống…”.
Geofroy Boulard, thị trưởng Quận 17 tại khu vực phía tây bắc Paris, cuối năm 2017 phải triệu tập họp khẩn xử lý cuộc khủng hoảng gặm nhấm này. Giới chức quận đã thảo luận nhiều cách thức nhằm giảm bớt số lượng chuột tại thành phố, trong đó có sử dụng thuốc diệt chuột. Đó cũng là lần đầu tiên Boulard nhận ra rằng chuột tại Paris cũng có nhóm vận động hành lang bảo vệ quyền lợi. Khoảng 10 người biểu tình đã đối chất với ông, lên án kế hoạch của lãnh đạo quận. Họ yêu cầu chính quyền địa phương sử dụng một biện pháp nhân đạo hơn là rải thuốc tránh thai cho chuột.
Boulard cho rằng lập luận của nhóm người biểu tình là không đủ sức thuyết phục, đặc biệt khi chuột hoành hành tại Paris ngày một nghiêm trọng. "Chúng ta không thể sống chung với chuột ở những nơi công cộng", ông nhấn mạnh.
Đòi quyền cho… chuột
Cuộc tranh luận về quyền của chuột ở Pháp đã xuất hiện hàng thế kỷ trước, khi châu Âu trung cổ đang đau đầu trước nạn chuột phá hoại mùa màng và lan truyền bệnh dịch.
Theo quyển sách "Xét xử hình sự và Án tử hình đối với động vật" được viết bởi E.P. Evans, chính quyền Pháp đã tìm cách xét xử các hành vi "sai trái" của loài chuột. Vào thế kỷ 16, chính quyền vùng Autun từng mở phiên tòa luận tội một đàn chuột phá hoại cánh đồng lúa mạch của người dân địa phương. Tòa thậm chí đã chỉ định một luật sư tên Bartholomew Chassenee đại diện cho đàn chuột.
Giờ đây, những lời kêu gọi bảo vệ quyền của chuột vẫn tiếp tục được lan truyền trên mạng xã hội. "Chúng ta cần tìm được một sự cân bằng để chung sống", Claudine Duperret, người điều hành nhóm "Giải cứu chuột" với 600 thành viên trên Facebook, nói.
Duperret bắt đầu nuôi chuột từ 11 năm trước, khi cô con gái muốn xin một con về làm thú cưng. Kể từ đó, cô đã giải cứu 25 con chuột khỏi đường phố. Duperet còn mang chúng theo khi dạo quanh thành phố hay trong các kỳ nghỉ lễ.
Khó khăn lớn nhất của Duperret có lẽ là việc tìm chỗ chôn cất những người bạn gặm nhấm của mình. Cô cho biết có lúc có tới 4 con chuột được đặt trong tủ đông của nhà bếp chờ... an táng.
Những con chuột được nhóm giải cứu đa số từng là thú cưng trong nhà. Duperret cho biết trẻ em thành phố từng đổ xô đi mua chuột sau khi bộ phim hoạt hình "Ratatouille" của Walt Disney ra mắt vào năm 2007. Tuy nhiên, cơn sốt này cũng chỉ kéo dài được vài tháng và sau đó chuột lại bị vứt ra đường. Ngoài ra, nhóm cũng thường tìm thấy chuột bạch từng được nuôi trong các phòng thí nghiệm. Một vài thành viên của nhóm cũng thử nuôi chuột cống.
Những nhà hoạt động như Duperret không đồng tình với giải pháp của chính quyền thành phố. Họ cho rằng giống chuột nâu cũng có quyền được cư ngụ giữa "kinh đô ánh sáng" như mọi loài động vật hữu nhũ khác. Đối với nhóm vận động này, các biện pháp như thuốc diệt chuột hay bẫy chuột là quá tàn nhẫn.
Khi chính quyền thành phố bắt đầu chiến dịch tiêu diệt chuột 18 tháng trước, họ đã đăng trên mạng một thỉnh nguyện thư bảo vệ sinh mạng của hàng triệu con chuột. Lá thư đã thu được hơn 26.000 chữ ký đồng tình. "Chúng tôi rất lo ngại (về kế hoạch của chính quyền)", nhà tâm lý học đã về hưu Jo Benchetrit, người viết thỉnh nguyện thư đòi cứu chuột Paris, chia sẻ. Bà cho rằng nhiều người cảm thấy chiến dịch bảo vệ quyền của chuột là "không bình thường" do xã hội đã quen sống trong cảm giác "tàn nhẫn tầm thường".