Hài hước vụ xét xử “cưỡng đoạt” dàn nhạc

 Ngày 26/10, TAND huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ “Cưỡng đoạt tài sản” là một dàn nhạc trị giá hơn 100 triệu đồng, sau khi đã “hợp thức hóa” bằng cách ghi thêm vào trong “giấy thế chấp tài sản” một dàn nhạc...

Ngày 26/10, TAND huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ “Cưỡng đoạt tài sản” là một dàn nhạc trị giá hơn 100 triệu đồng, sau khi đã “hợp thức hóa” bằng cách ghi thêm vào trong “giấy thế chấp tài sản” một dàn nhạc...

“Hợp thúc hóa” hành vi cưỡng đoạt

Ngày 26/9/2008, Nguyễn Thị Thảo Sương cho vợ chồng ông Phạm Quốc Hùng (SN 1967) và bà Trần Thị Kim Thoa (SN 1970) trú tại thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, mượn 100 triệu đồng, với lãi suất 4%/tháng; hai bên có viết giấy tay với nhau.

Hết thời hạn 4 tháng, ông Hùng không có tiền thanh toán số nợ gốc và lãi suất cho bà Sương. Đến ngày 6/2/2009, bà Sương cùng chồng là ông Dương Ngọc Long (cán bộ Chi cục Thuế huyện Định Quán) đến gặp gia đình ông Hùng thỏa thuận việc trả nợ.

Theo đó, vợ chồng ông Hùng đồng ý thế chấp cho vợ chồng bà Sương chiếc xe ô tô vận tải nhẹ biển kiếm soát 60N 87-24. Giấy thỏa thuận nêu, hai bên có trách nhiệm tìm người bán xe để thanh toán tiền cho bà Sương. Cụ thể, thời hạn thanh toán dứt điểm vào tháng 4/2009 (chiếc ô tô hiện do ông Long quản lý, giấy tờ xe do ông Hùng quản lý). Tuy nhiên, sau một thời gian hai bên cùng rao bán, nhưng chiếc ô tô vẫn không bán được.

Hai mươi ngày sau khi bà Sương, ông Hùng thỏa thuận việc trả nợ (tức ngày 26/2/2009), vợ chồng bà Sương tiếp tục đến đòi tiền. Lúc này, ông Hùng thống kê danh mục một dàn nhạc (cho thuê phục vụ đám cưới) trị giá hơn 100 triệu đồng và giao tờ giấy thống kê đó cho bà Sương để làm tin. Tuy nhiên, sau khi có được bản thống kê dàn nhạc, ông Long lấy giấy thế chấp chiếc ô tô mang biển số 60N 87-24 của vợ chồng ông Hùng ra, rồi viết thêm vào trong “giấy thế chấp tài sản” một dàn nhạc.

Đến chiều 28/2/2009, bà Sương nói cho Nguyễn Thị Phương Dung và Nguyễn Thị Thùy Ngân (chị gái của bà Sương) biết là vợ chồng ông Hùng có mượn của bà 100 triệu đồng nhưng đòi hoài không trả, nên bà Sương yêu cầu Dung, Ngân, Dương Ngọc Hoàng và Hà Sơn Lâm (cháu bà Sương) đến nhà vợ chồng ông Hùng lấy dàn nhạc để trừ nợ, “ý tưởng” này được mọi người đồng ý.

Đúng “kế hoạch”, khoảng 16 giờ cùng ngày, bà Sương cùng Dung, Ngân, Hoàng, Lâm đến nhà ông Hùng để lấy dàn nhạc. Ông Hùng không đồng ý, nhưng bà Sương yêu cầu Hoàng và Lâm vào mang dàn nhạc ra ngoài đường.

Lúc này, bà Thoa la lên không cho lấy, lập tức bà Dung giữ tay bà Thoa lại; còn ông Hùng kéo lại từng món đồ của dàn nhạc đang bị Hoàng và Lâm mang ra khỏi nhà. Trong khi giằng co, Hoàng và Lâm đã làm ông Hùng té ngã xuống nền nhà; mặc kệ ông Hùng, Hoàng và Lâm vẫn tiếp tục mang dàn nhạc ra ngoài. Nguyễn Quang Trường và Nguyễn Thành Công (anh trai bà Sương) cũng có mặt góp tay với bà Sương, Ngân, Hoàng và Lâm mang dàn nhạc ra đặt tại Công viên thị trấn Định Quán. Sau đó, công an có mặt và đưa toàn bộ tài sản về trụ sở Công an thị trấn Định Quán lập biên bản và giao tài sản lại cho gia đình ông Hùng.

“Nhân vật chính” bị lọt (!?)

Có thể khẳng định rằng, ngay trong phần thủ tục bắt dầu phiên tòa, không khí phòng xử án đã “nóng” và khá căng thẳng từ phía các bị cáo và bị hại. Các luật sư bào chữa cho bị cáo, luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại đã đề nghị HĐXX triệu tập thêm một số nhân chứng - là những người chứng kiến sự việc ngay từ đầu nhưng chưa được tòa triệu tập tại phiên xử.

Các nhân chứng là cán bộ, công an viên công an thị trấn Định Quán và một vài người chứng kiến sự việc. Sau một khoảng thời gian dài hội ý, HĐXX chấp nhận lời đề nghị của các luật sư, đồng ý hoãn phiên tòa để triệu tập thêm nhân chứng.

Đây là lần thứ hai phiên tòa phải hoãn, ngay khi mới bước vào phần thủ tục phiên tòa. Trước đó, ngày 27/9, TAND huyện Định Quán đã mở phiên tòa sơ thẩm, nhưng vì lý do giấy triệu tập không được gửi đến người bị hại. Trong quyết định hoãn phiên tòa, HĐXX cho rằng bị hại vắng mặt không có lý do.

Ngay sau khi phiên tòa bị hoãn, ông Dương Ngọc Long (chồng bị cáo Sương) đã gây hấn với bị hại Phạm Quốc Hùng. Rất may, ông Phạm Công Minh, cha bị hại Hùng có mặt kịp thời đã can ngăn hành vi gây hấn của ông Long.

Theo các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại, ông Long chính là một trong những người giữ vai trò chính của vụ án này. Ông Long là tác giả của việc viết thêm nội dung thế chấp dàn nhạc vào giấy thế chấp tài sản được hai bên thỏa thuận trước đó. Kết quả giám định của Phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Đồng Nai đã xác định nội dung thế chấp dàn nhạc là được viết thêm vào giấy thế chấp.  

Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng huyện Định Quán cho rằng chưa đủ cơ sở để xác định ông Long tham gia vào việc cưỡng đoạt tài sản nên không khởi tố. Ngược lại, các nhân chứng, bị hại khẳng định ông Long là người có vai trò liên quan cùng các bị cáo thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản của vợ chồng ông Hùng, bà Thoa. Do vậy, việc TAND huyện Định Quán triệu tập ông Long ra tòa với tư cách nhân chứng cũng làm nhiều người băn khoăn.

Trần Tố

Đọc thêm