Chiều 13/11/2016, ông Phạm Văn Thường (Thẩm phán TAND quận Lê Chân, Hải Phòng) và con trai là anh Phạm Văn Thành xảy ra mâu thuẫn. Do bị bố đánh, cháu Thành phải chạy đến nhà ông Đỗ Văn Bảo để tạm tránh. Ông Thường liền đi theo đến nhà ông Bảo. Tại đây, ông Thường tiếp tục đòi đánh con trai. Trước thái độ nóng giận của ông Thường, gia đình ông Bảo đã ra sức khuyên can để chấm dứt sự việc.
Theo tường thuật của các nhân chứng thì lúc đó, ông Thường rất nóng giận và tuyên bố sẽ đánh cả những người can ngăn. Tưởng ông Thường chỉ nói dọa nhưng khi ông Bảo vào can thì ông Thường đã không nể mặt “bố vợ” mà đấm vào mặt ông Bảo. Sau khi đấm “bố vợ”, ông Thường còn thúc đầu gối vào bụng ông Bảo. Hậu quả làm ông Bảo bị thương, chảy máu mũi.
Nghiêm trọng hơn, khi ông Bảo ngã xuống thì Phạm Văn Toàn (SN 1982, em trai của ông Thường) từ đâu lao tới lấy một chiếc áo quàng vào cổ và lôi ra khu vực sửa xe gần nhà. Tại đây, anh Toàn đã lấy một chiếc tuốc-nơ-vít đâm vào lưng và tai ông Bảo, gây chảy máu nghiêm trọng. Ngay sau đó, ông Bảo được người thân đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cấp cứu.
Tại bệnh viện, sau khi làm các xét nghiệm, chiếu chụp tổng quát, ông Bảo được bác sỹ kết luận bị chấn thương ngực và gãy xương sườn số 6, hậu quả sau khi bị ông Thường thúc đầu gối vào bụng.
Tuy nhiên, khi giám định sức khoẻ cho ông Bảo thì Trung tâm Pháp y Hải Phòng lại kết luận ông Bảo không bị tổn thương gì về sức khoẻ (tỷ lệ thương tật là 0%). Cũng theo kết quả giám định pháp y thì ông Bảo không bị gãy xương sườn số 6. Kết luận này trái ngược với kết quả kiểm tra, điều trị của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp trước đó.
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, ông Phạm Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm pháp y Hải Phòng cho biết, sau khi có kết quả giám định pháp y đối với ông Bảo, đơn vị đã trả kết quả cho Cơ quan CSĐT Công an huyện An Dương.
Theo ông Sáu, Trung tâm pháp y Hải Phòng đã tiến hành giám định thương tích theo đúng quy trình. Việc ông Bảo có bị gãy xương sườn hay không thì có thể tự đi khám, kiểm tra lại ở bất kỳ cơ sở y tế nào bởi có gãy xương sườn thì sau nhiều năm kiểm tra lại vẫn biết. Nếu gia đình không đồng ý với kết quả giám định của Trung tâm thì có quyền làm đơn đề nghị cơ quan công an để giám định lại ở cấp cao hơn.
Ông Sáu lý giải thêm, việc khoa Ngoại của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp khẳng định bệnh nhân bị gãy xương sườn số 6 có thể là do bác sỹ có trình độ chuyên môn kém nên khi đọc phim bị sai kết quả.
Theo Luật sư Trần Văn Toàn (Đoàn luật sư TP Hà Nội), các vụ án gây thương tích thường rất phức tạp vì chứng cứ buộc tội chính là kết luận giám định tư pháp về thương tích của nạn nhân, người bị hại. Tỷ lệ thương tật không chỉ quyết định tội danh mà còn là yếu tố định khung hình phạt. Do vậy, những sai sót trong kết luận giám định có thể “biến” một người có tội thành không có tội và ngược lại. Do đó, khi kết luận giám định đi ngược lại với kết quả khám và điều trị thì cơ quan chức năng phải xem xét giải quyết bằng việc trưng cầu giám định lại, nhất là trong những vụ án mà những người liên quan có khiếu nại đối với kết luận giám định.
Cũng theo Luật sư Toàn, trong vụ này, người bị tố cáo gây thương tích là một thẩm phán- người rất am hiểu về pháp luật và cách xử lý đối với những vụ việc này. Do vậy, nếu không có một cách giải quyết hợp lý thể hiện việc điều tra, giám định thương tích hoàn toàn khách quan thì người dân hoàn toàn có thể nghi ngờ về sự thiếu minh bạch trong việc giải quyết vụ việc này.
Trong một diễn biến khác, cuối tháng 4/2017, Công an huyện An Dương đã ra quyết định xử phạt hành chính 2,5 triệu đồng với ông Phạm Văn Thường do có hành vi đánh ông Đỗ Văn Bảo phải nhập viện. Tuy nhiên, gia đình nạn nhân Đỗ Văn Bảo không đồng ý với việc xử lý hành chính này và cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại để đòi hỏi công bằng.