Hải Phòng: Chủ động, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng vừa triệu tập hội nghị Thành uỷ lần thứ 14 xem xét, cho ý kiến về một số nội dung theo quy chế làm việc.
Quang cảnh Hội nghị Thành uỷ lần thứ 14.
Quang cảnh Hội nghị Thành uỷ lần thứ 14.

Hội nghị Thành uỷ Hải Phòng lần thứ 14 thực hiện tổng kết công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, vận động Nhân dân năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024; Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 và ban hành Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024; Điều chỉnh, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVI; Dự thảo Đề án tổ chức chính quyền đô thị TP Hải Phòng; Báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện sắp xếp, chuyển đổi và chuyển nhượng vốn tại các doanh nghiệp do Thành ủy nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn góp của Thành ủy.

Năm 2023, TP đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, mặc dù vậy, với sự chung sức, đồng lòng và sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP trong nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai nhiều việc lớn, việc khó có ý nghĩa quan trọng, thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đạt được một số kết quả quan trọng.

Thành ủy và các cấp ủy đã tích cực, chủ động triển khai công tác nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và triển khai bằng nhiều hình thức, phương pháp, cách làm sáng tạo, phù hợp, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định, quy định của Trung ương, Thành ủy và cấp ủy các cấp. Tình hình đội ngũ cán bộ cơ bản ổn định, tinh thần làm việc hăng say, tích cực nỗ lực, cống hiến vì sự phát triển của TP. Công tác cán bộ, nhất là quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, phân công, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được thực hiện dân chủ, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm sự ổn định của hệ thống, làm nền tảng thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được thực hiện nghiêm túc, bài bản, xử lý dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, nhạy cảm, kéo dài qua nhiều năm. Công tác nội chính, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng; hoạt động của Ban Chỉ đạo TP về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả rõ nét, thể hiện qua tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc được Trung ương và TP theo dõi, kiến nghị có chuyển biến rõ rệt…

Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 10,34% (Kế hoạch giao 12,7 - 13,0%), duy trì 9 năm liên tục ở mức hai con số. Thu nội địa của TP ước đạt 42.500 tỷ đồng, đạt mục tiêu đề ra, tăng 1.500 tỷ đồng so với năm 2022, tương ứng tăng 3,65%.Chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3,5 tỷ USD, vượt 1,75 lần so với kế hoạch, gấp 1,4 lần so với thực hiện năm 2022, là kết quả lịch sử của TP từ trước tới nay, cho thấy TP đang thu hút đầu tư đúng hướng, đúng cách, là kết quả của công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài và cải thiện môi trường đầu tư.

Bên cạnh đó, Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành 2 nhiệm vụ quan trọng: Đồ án Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt nền móng cho sự phát triển của thành phố trong tương lai. Khởi công và triển khai đúng tiến độ nhiều công trình lớn, quan trọng của TP. Ngoài ra, chủ trương lớn của Thành ủy về phát triển nhà ở xã hội đã và đang được triển khai rất khí thế, đã có kết quả bước đầu tích cực;Quần đảo Cát Bà - Vịnh Hạ Long và chính thức được UNESCO công nhận, ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới; Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, chủ quyền biên giới, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt như mong muốn, cụ thể: Một số chỉ tiêu, nhất là về kinh tế chưa đạt theo Kế hoạch, thậm chí giảm sâu, như: Thu từ xuất nhập khẩu; tỷ lệ hàng hóa qua cảng…; Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong triển khai một số nhiệm vụ còn chưa thật sự nhịp nhàng, tiến độ chưa bảo đảm; Việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo chưa thật sự được quan tâm; quản lý, sử dụng đất và tài sản công còn lãng phí; vấn đề nêu gương chưa nghiêm túc; một số vị trí lãnh đạo chưa đáp ứng được yêu cầu…

Đối với nhiệm vụ trọng tâm năm 2024,Thành ủy và các cấp ủy tiếp tục củng cố và phát huy sự đoàn kết, thống nhất, dân chủ thực chất, trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể trong thực thi và triển khai nhiệm vụ được giao. Tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam TP và tổ chức chính trị - xã hội trong tăng cường công tác giám sát.

Năm 2024 sẽ là năm trọng tâm thực hiện công tác cải cách hành chính trong Đảng từ cấp TP đến cấp cơ sở. Đồng thời, tập trung cao độ hoàn thành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án thành lập Khu thương mại tự do TP Hải Phòng, tạo cú hích quan trọng cho sự phát triển của TP trong giai đoạn tới.Tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết, hướng tới sự thành công của Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, trong đó tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp, điều động, luân chuyển và đào tạo bồi dưỡng cán bộ nhằm chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ Đại hội tiếp theo.

Bảo đảm cân đối giữa chi thường xuyên và chi đầu tư theo Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP đã đề ra (mục tiêu đến 2025 chi đầu tư phát triển chiếm 60% chi ngân sách TP). Thực hiện các giải pháp gia tăng và đa dạng hóa nguồn thu, đồng thời thực hiện tiết kiệm, rà soát, cắt giảm tối đa các khoản chi thường xuyên không cần thiết, cân đối lại để bảo đảm chi đầu tư phải lớn hơn chi thường xuyên.

Mặt khác, rà soát tổng thể các dự án, đề án, chương trình đầu tư công, bao gồm các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư/phê duyệt dự án đầu tư, các dự án đã có chủ trương triển khai chưa được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, để xem xét tính cấp thiết, từ đó, sắp xếp thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đến năm 2025, giãn hoãn các dự án chưa thực sự cần thiết sang giai đoạn 2026 - 2030, không đề xuất đầu tư các dự án khi chưa bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện.

Chủ động hơn, quyết liệt hơn, đổi mới phương pháp làm việc, để công tác giải ngân vốn đầu tư công thực hiện tốt ngay từ đầu năm. Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công tại một số địa phương, sở, ngành. Tổ chức tổng kết, chia sẻ, rút kinh nghiệm về giải ngân đầu tư công của các địa phương, đơn vị trên địa bàn TP để lan tỏa những các làm hay, kinh nghiệm có thể nhân rộng hiệu quả trong việc quản lý và giải ngân đầu tư công…

Đọc thêm