Hải Phòng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992

HĐND TP Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo các chuyên đề.

HĐND TP Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo các chuyên đề.

Ông Nguyễn Văn Thành- Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Hải Phòng phát biểu chủ trì Hội nghị

Theo Thạc sĩ luật học Vũ Văn Kiền – Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hải Phòng - tổng hợp các ý kiến, các đại biểu tiếp tục khẳng định bản chất, mô hình của chế độ chính trị đã được xác định trong Cương lĩnh và Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu đề nghị cần thêm việc kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quốc hội cần hoạt động chuyên nghiệp hơn, giảm số đại biểu kiêm nhiệm để tập trung chuyên sâu và việc xây dựng luật.

Các ý kiến đóng góp của đại biểu tại Ban Pháp chế đối với điều 4 của Hiến Pháp 1992 không chỉ quy định khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội mà cần quy định rõ hơn Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Các đại biểu HĐND thảo luận tại tổ Ban Kinh tế - Ngân sách tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến đối với quy định về các thành phần kinh tế, vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế.

Tại điều 54 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”.

Đây là khẳng định tiến bộ, phù hợp với quy luật vận động, phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguyên tắc các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong kinh doanh, quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong việc tiếp cận các cơ hội kinh doanh, công nghệ, vốn và các quyền lợi, trách nhiệm khác được tôn trọng và khẳng định, nhất là các thành phần kinh tế không thuộc kinh tế nhà nước.

Quy định này là tiền đề, cơ sở để thực hiện Điều 53 của Dự thảo Hiến pháp  "Phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường".

Điểm mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là không liệt kê các thành phần kinh tế như Hiến pháp năm 1992 được đánh giá là những quy đinh mang tính mở rất cao, đúng bản chất của Hiến pháp là đạo luật góc, có giá trị pháp lý cao nhất, phù hợp và thích ứng với sự phát triển của xã hội.           

Ông Nguyễn Văn Thành- Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng đánh giá, các đại biểu đã tập trung thảo luận ngắn gọn, xúc tích, vừa có lý luận vừa giàu thực tiễn, đi sâu vào những nội dung mà đại biểu am hiểu sâu sắc, liên quan đến lĩnh vực cơ quan, ngành, thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cấp địa phương, phản ánh được ý chí, nguyện vọng xác đáng của cử tri TP Hải Phòng nhằm sửa đổi Hiến pháp 1992 theo đúng quan điểm, đường lối, tư tưởng của Đảng, là nền tảng để thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, để Nhà nước thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Linh Nhâm

Đọc thêm