Trong chiến lược xây dựng một thành phố phát triển “Xanh”, Hải Phòng đang muốn nhân rộng mô hình “khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” ra tất cả 223 xã, phường trên địa bàn.
Ảnh minh họa. Báo Hải Phòng |
Những mục tiêu lớn
Ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, năm 2012, chỉ riêng lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT), Hải Phòng phấn đấu hoàn thành một loạt các mục tiêu lớn về quản lý các nguồn tài nguyên đất, khoáng sản và tài nguyên nước. Trong đó, đối với công tác quy hoạch khoáng sản, Hải Phòng tập trung lập đề cương thành lập Công viên Địa chất quần đảo Cát Bà, gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu. Hải Phòng cũng phấn đấu lập đề cương đề án xây dựng Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài ra, TP đang triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước dâng đến năm 2025, xây dựng đề cương Quy hoạch không gian biển Hải Phòng….
Theo ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở TN&MT TP Hải Phòng, để có thể thực hiện được các mục tiêu lớn, công tác quy hoạch, lập danh mục các dự án đầu tư, các công trình sử dụng đất, sử dụng tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước của ngành TN&MT luôn phải đi trước một bước. Đến nay, ngành TN&MT Hải Phòng đã tham mưu, để TP trình Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011- 2015. Chủ động triển khai công tác quản lý nhà nước về quản lý quy hoạch, trong thời gian qua, Hải Phòng đã sớm bàn giao được mặt bằng cho các công trình, dự án trọng điểm như dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ Bắc Sông Cấm, Khu công nghiệp Tràng Cát – Đình Vũ, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đường cao tốc Tân Vũ – Lạch Huyện…
Tuy nhiên, theo ông Sản, công tác quy hoạch, chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai các vấn đề về quy hoạch không gian biển, bảo tồn, quản lý nguồn tài nguyên môi trường biển là “gian nan” nhất. Để có thể thực hiện thành công việc bảo vệ, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên biển, Hải Phòng không chỉ tranh thủ sự hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng cục Biển mà còn tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như Jica – Nhật Bản để điều tra, khảo sát, đánh giá ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn nói chung, đánh giá ô nhiễm nguồn nước môi trường biển nói riêng nhằm từng bước nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn Hải Phòng.
Hướng đến mô hình dân cư tự quản
Tháo gỡ tình trạng quy hoạch chồng chéo, “lấn át” nhau, theo ông Bùi Quang Sản, cũng là một trong nhiệm khó khăn đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Ông Sản cũng cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hải Phòng chưa được giải quyết triệt để, dứt điểm không chỉ bởi các DN chưa thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường; công tác thanh kiểm tra, hậu kiểm về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường chưa được triển khai thường xuyên, kịp thời mà một phần quan trọng chính là bởi đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về TN&MT, nhất là cấp xã phường, vừa thiếu, vừa yếu, hay bị xáo trộn. Trang thiết bị phục vụ cho công tác quan trắc, phân tích chất lượng môi trường lạc hậu, thậm chí đã hết niên hạn sử dụng đã không đủ năng lực đánh giá các chỉ số ô nhiễm môi trường...
Xác định quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường yêu cầu có sự phối hợp của toàn xã hội, ngành TN&MT Hải Phòng đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ môi trường với các ngành Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban quản lý KCN, Hải quan, Y tế… Mô hình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư” được UBMTTQ Việt Nam TP.Hải Phòng phối hợp với ngành TN&MT thí điểm thực hiện tại xã Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng) và phường Lãm Hà (quận Kiến An) trong thời gian từ 2007 – 2011 đã được tổng kết, đúc rút kinh nghiệp.
Cuối năm 2011, mô hình này tiếp tục được triển khai tại khu phố Lãn Ông (phường Quang Trung, quận Hồng Bàng), thôn Minh Hồng (xã Phù Long, huyện Cát Hải) với “slogan” mới là “khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”.
Trong năm 2012, UBMTTQ Việt Nam TP.Hải Phòng sẽ “nâng cấp” mô hình tự quản này thành mô hình điểm cấp TP, từng bước chỉ đạo triển khai tới tất cả 223 xã, phường trên địa bàn Hải Phòng. Theo ông Nguyễn Văn Tạo, Phó Chủ tịch UBMT TQ Việt Nam TP.Hải Phòng, mô hình khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường được lồng ghép với các chương trình “nông thôn mới”, “đô thị văn minh” sẽ từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường.
Linh Nhâm