Hải Phòng: Huyện An Dương “im lặng” trước hàng loạt sai phạm đất đai, đê điều

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 1 tháng phản ánh những sai phạm liên quan đến đất đai, đê điều tại huyện An Dương, TP Hải Phòng, báo PLVN chưa nhận được phản hồi từ địa phương này về cách thức xử lý sai phạm.
Xưởng sơ chế hành rộng khoảng 1000m2 tại xứ đồng thôn Đoài, xã An Hưng.
Xưởng sơ chế hành rộng khoảng 1000m2 tại xứ đồng thôn Đoài, xã An Hưng.

Sai phạm chồng sai phạm

Ngày 16/9, Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải bài viết: “An Dương (Hải Phòng) vi phạm trong sử dụng đất, xây dựng, bảo vệ đê điều” phản ánh việc còn nhiều “sạn” trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện An Dương.

Trao đổi với PLVN, ông Đinh Văn Quyền, Chánh văn phòng UBND huyện An Dương cho biết: sau khi Báo đăng tải thông tin, Chủ tịch UBND huyện An Dương có giao cho Phòng Tài nguyên & Môi trường, Phòng Kinh tế Hạ tầng phối hợp, rà soát quản lý, sử dụng đất đai liên quan đến những trường hợp bị phản ánh. Sau khi kiểm tra, huyện sẽ có báo cáo trả lời Báo về cách thức xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Nhà xưởng được xây dựng từ 2020 nhưng đến nay chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý

Nhà xưởng được xây dựng từ 2020 nhưng đến nay chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý

Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 1 tháng, huyện An Dương vẫn “im lặng” trước những sai phạm trên. Trong nhiều lần liên lạc với lãnh đạo huyện An Dương, các vị này cho biết đang bận họp nên chưa sắp xếp được lịch làm việc để trả lời báo chí.

Như báo PLVN đã phản ánh, tháng 10/2019, ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã An Hưng ký hợp đồng cho ông Phan Tiến Dũng (phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) thuê đất công ích sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp: trồng hành lá xanh để xuất khẩu.

Ông Dũng được thuê 2.769m2 đất công tại xứ đồng thôn Đoài để sản xuất nông nghiệp trong 5 năm (1/10/2019 - 1/10/2024). Với đơn giá thuê đất 600đ/m2/năm, mỗi năm ông Dũng chỉ phải nộp khoảng 1,6 triệu đồng cho xã.

Chủ tịch xã này cho rằng đề án trồng hành lá xanh của ông Dũng đã được UBND huyện phê duyệt và đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục xin phép để hoạt động. Do giá trị kinh tế lớn, đơn vị đã mở rộng diện tích trồng hành lá từ 2 lên 5ha. Để phục vụ sản xuất, dù chưa được cấp phép xây dựng, đơn vị đã dựng nhà xưởng khung sắt diện tích hơn 1.000m2 phục vụ cho việc sơ chế hành.

Sau khi báo chí phản ánh, ông Thế cho biết: “Hiện, doanh nghiệp đã gửi toàn bộ hồ sơ, giấy tờ lên UBND huyện sau cuộc kiểm tra của Đoàn công tác (do huyện An Dương lập-PV). Doanh nghiệp đề xuất tiếp tục hoàn thiện hồ sơ”.

Vấn đề đáng nói ở chỗ, theo quy định tại Khoản 3 Điều 132 Luật Đất đai 2013, đối với diện tích đất công ích chưa được sử dụng thì UBND cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê.

Như vậy, một trong những điều kiện để có thể được thuê đất công ích tại xã An Hưng thì người thuê phải là người địa phương. Tuy nhiên, ở đây, Chủ tịch UBND xã An Hưng Nguyễn Văn Thế đã ký hợp đồng cho ông Phan Tiến Dũng (phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội), không phải người địa phương thuê đất.

Trước câu hỏi về việc cho thuê đất công ích như trên có đảm bảo đúng quy định pháp luật hay không, ông Thế phân trần: “Đây là công ty về địa phương sản xuất và thuê cả diện tích rộng như vậy thì làm sao được!”

Chậm khắc phục hậu quả

Ngoài ra, như PLVN đã phản ánh, trên tuyến đê tả sông Lạch Tray, thôn Xích Thổ, xã Hồng Thái, thời gian gần đây một số hộ dân tự ý đổ bùn đất khối lượng lớn để san lấp mặt bằng. Các xe chở bùn đất, thường là xe quá tải, đã làm hư hại mặt đường đê, nguy cơ sạt trượt tại kè đê.

Các xe chở bùn đất làm hư hại mặt đường đê, có nguy cơ sạt trượt tại kè đê.

Các xe chở bùn đất làm hư hại mặt đường đê, có nguy cơ sạt trượt tại kè đê.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kế, Bí thư xã, nhận định: Việc một số hộ gia đình tại khu vực đầm sâu trũng của thôn Xích Thổ có hướng chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản sang trồng măng tây, nên tiến hành san lấp mặt bằng; nhưng như vậy là không đúng quy định.

Đến nay, sau hơn 1 tháng phản ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Nguyễn Xuân Dương cho biết đã yêu cầu dừng tất cả hoạt động san lấp. Đây cũng là quan điểm của Đoàn công tác huyện An Dương trong quá trình kiểm tra.

Tự ý san lấp để chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản sang trồng măng tây tại xã Hồng Thái

Tự ý san lấp để chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản sang trồng măng tây tại xã Hồng Thái

Để khắc phục hậu quả, trước đó nhiều tháng, UBND xã Hồng Thái yêu cầu các trường hợp vi phạm phải di chuyển lượng bùn đất đã đổ, trả lại nguyên hiện trạng ban đầu sau 10 ngày kể từ khi nhận quyết định xử phạt. Tuy nhiên, đến nay, các biện pháp khắc phục hậu quả chưa được thực hiện.

“Xã sẽ tiếp tục chỉ đạo để các đối tượng san lấp phải khắc phục hậu quả trong thời gian tới”, ông Dương cho biết.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm