Theo tìm hiểu của PLVN, ngày 25/9/2013, UBND TP Hải Phòng cấp giấy phép số 1853/GP-UBND cho công ty liên doanh KCN Đồ Sơn Hải Phòng được xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi tại Kênh 600 thuộc hệ thống thủy lợi Đa Độ tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh, Hải Phòng.
Thời hạn của giấy phép là 5 năm tính từ tháng 10/2013 đến tháng 10/2018. Lưu lượng xả thải bình quân là 950m3/ngày, đêm; chế độ xả thải là 24 giờ/ngày, phương thức xả thải tự chảy. Trong đó chất lượng nước thải với 30 thông số ô nhiễm trong nước thải được quy định cụ thể, rõ ràng.
Đến 23/7/2019, 10 tháng sau khi giấy phép cũ hết hạn, UBND TP Hải Phòng mới cấp giấy phép số 1696/GP-UBND cho phép Công ty Liên doanh KCN Đồ Sơn được xả nước thải công nghiệp sau khi xử lý đạt yêu cầu vào hệ thống công trình thủy lợi. Nguồn nước tiếp nhận là kênh Cống Than thuộc hệ thống thủy lợi Đa Độ.
Theo giấy phép, ngoài việc đảm bảo nội dung cam kết, phí, Công ty liên doanh KCN Đồ Sơn có trách nhiệm quản lý nguồn nước trong kênh nội bộ KCN đảm bảo nước trong kênh đạt tiêu chuẩn quy định trước khi thải vào kênh Cống Than. Trong mọi trường hợp phải đảm bảo tiêu thoát nước trong kênh 600 qua kênh nội bộ của KCN, tuyệt đối không để nước trong kênh 600 chảy vào khu vực nuôi trồng thủy sản lân cận.
|
KCN Đồ Sơn hiện có gần 50 doanh nghiệp hoạt động tại các lĩnh vực sản xuất ô tô, linh kiện điện tử, gia công kim loại... |
Việc đảm bảo chất lượng nước xả thải từ gần 50 doanh nghiệp trong KCN là vô cùng quan trọng bởi kênh Cống Than có nhiệm vụ tưới tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát khu dân cư trên địa bàn.
Ngoài ra, nguồn nước chính trong kênh Cống Than có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước kênh trục chính sông Họng, một trong những kênh chính cung cấp nước sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cung cấp cho dân sinh và cho nhà máy nước.
Vậy nhưng, gần 1 năm qua, KCN Đồ Sơn không được cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi. Vậy nước thải của gần 50 nhà đầu tư lớn nhỏ đến từ các quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Việt Nam tại KCN Đồ Sơn chảy đi đâu, chất lượng ra sao?
Trao đổi qua điện thoại, một lãnh đạo Công ty Liên doanh KCN Đồ Sơn cho biết trong thời gian TP hoàn thiện thủ tục của giấy phép mới thì giấy phép cũ vẫn có hiệu lực. Nguyên nhân của sự chậm chễ cấp phép liên quan đến việc thay đổi điểm xả thải.
Nhưng Công ty liên doanh KCN Đồ Sơn đã không có câu trả lời vì “lãnh đạo bên Hồng Kông chưa giao việc” hoặc “chưa tiếp báo chí bao giờ”.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.