Hải Phòng: Ngành Tư pháp cần chuyển đổi tư duy từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo phát triển

(PLVN) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam tại hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2022 và triển khai công tác năm 2023 được tổ chức ngày 29/12.
Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam trao Cờ và Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.
Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam trao Cờ và Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc.

Nhiều chuyển biến tích cực

Năm 2022 là năm thứ hai Hải Phòng thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và thực hiện Chủ đề năm "Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số". Đối với Ngành Tư pháp, với quyết tâm tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo cùng với việc phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công tác tư pháp đã được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực được giao.

Cụ thể, Hải Phòng thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm nhiệm vụ cụ thể công tác năm 2022 của Bộ Tư pháp và Chương trình hành động của Ngành Tư pháp. Hải Phòng tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); 06 năm thi hành Luật Hộ tịch; 06 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản; 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THPL).

Theo đánh giá chung, các mặt công tác tư pháp đều có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ, đặc biệt là công tác PBGDPL. Sở Tư pháp xây dựng nội dung 46 số Phụ trương pháp luật phát hành cùng Báo Hải Phòng vào thứ 5 hàng tuần; 59 số tin, bài đăng trang PBGDPL thuộc Cổng thông tin điện tử TP. 3.000 cuốn sách pháp luật với nội dung: “Hỏi - đáp Luật Bảo vệ môi trường” và “Kỹ năng PBGDPL” cùng 275.000 tờ gấp pháp luật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ đã được in ấn và phát hành tới cán bộ và nhân dân trên địa bàn.

Bà Lưu Thị Thu Huyền, Trưởng phòng PBGDPL phát biểu về mô hình mới, cách làm hay

Bà Lưu Thị Thu Huyền, Trưởng phòng PBGDPL phát biểu về mô hình mới, cách làm hay

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022, các đơn vị, địa phương đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL; phổ biến nội dung chính sách, quy định mới, nhất là nội dung các luật được Quốc hội thông qua trong năm 2021, 2022; các vấn đề gắn với nhiệm vụ trọng tâm của địa phương; những vấn đề nóng trên địa bàn được dư luận xã hội quan tâm.

Hiện nay, Hải Phòng có 128 báo cáo viên pháp luật TP, 284 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 2.993 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Công tác xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật được chú trọng. UBND cấp xã đã thực hiện chuyển Tủ sách pháp luật thành bộ phận “sách, tài liệu pháp luật” của Thư viện cấp xã hoặc điểm Bưu điện - Văn hóa xã hoặc Trung tâm học tập cộng đồng hiện có trên địa bàn. Sở Tư pháp mở chuyên mục “Tủ sách pháp luật” trên Trang thông tin điện tử PBGDPL TP.

So với thời gian trước, Hải Phòng đã xây dựng được nhiều mô hình mới, cách làm hay để ứng dụng CNTT trong PBGDPL: thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, xây dựng Trang/Cổng thông tin điện tử PBGDPL, xây dựng trang fanpage, facebook, zalo. Đến nay, Trang điện tử PBGDPL TP đã đăng tải được 1.610 tin, bài, với 346.425 lượt người truy cập. Hiện tại, Hải Phòng có 211/217 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc triển khai nội dung tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 đạt được nhiều kết quả khả quan.

Đẩy nhanh số hóa Sổ hộ tịch lịch sử

Về công tác hộ tịch, trong năm 2022, Hải Phòng đã thực hiện đăng ký mới 21.454 trường hợp khai sinh, 9.741 trường hợp kết hôn và 12.851 trường hợp đăng ký khai tử. Các TTHC được giải quyết nhanh chóng, kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và người dân. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đăng ký và quản lý hộ tịch được Hải Phòng thực hiện tốt, các nhiệm vụ hộ tịch phát sinh trên địa bàn đều được đăng ký và cập nhật đầy đủ vào Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch. Hải Phòng đã và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Số hóa Sổ hộ tịch lịch sử” đối với sổ hộ tịch lưu trữ tại Sở Tư pháp, 15 quận, huyện và 217 xã, phường, thị trấn từ năm 1922 đến năm 2015. Hiện, nhà thầu đã hoàn thành việc scan và nhập liệu sổ hộ tịch của 10/10 đơn vị theo kế hoạch năm 2022.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện, Giám đốc Sở Tư pháp Đỗ Đại Dương cho biết: Năm 2022, Hải Phòng triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với chất lượng sổ hộ tịch lưu trữ nhiều năm đã xuống cấp, tên các đơn vị hành chính của Hải Phòng có nhiều thay đổi chưa được cập nhật vào Phần mềm hộ tịch. Không chỉ vậy, hệ thông Phần mềm hộ tịch thường xuyên gặp lỗi đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, tiến độ Đề án. Việc triển khai liên thông các TTHC còn hạn chế do thủ tục, trình tự giải quyết các TTHC liên thông của các ngành như Công an (đăng ký và xoá đăng ký thường trú), Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội (hỗ trợ mai táng phí) khá phức tạp, đòi hỏi nhiều thành phần hồ sơ trong khi chưa có Phần mềm liên thông kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành nên công dân không thể đáp ứng hồ sơ đầu.

Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân được Bộ trưởng Bộ Tư pháp khen thưởng.

Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân được Bộ trưởng Bộ Tư pháp khen thưởng.

Thực hiện cải tiến quy trình công việc, các thủ tục và chuẩn hóa nghiệp vụ ứng dụng CNTT, đến nay, Sở Tư pháp đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả 07 phần mềm, cơ sở dữ liệu; trên 90% các thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Sở được đăng lên Cổng thông tin điện tử; thực hiện Hệ thống quản lý văn bản chỉ đạo, điều hành và ứng dụng quản lý văn bản chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng trên 90%; giảm 90% việc sử dụng giấy tờ trong hoạt động của cơ quan thông qua việc đưa số lượng văn bản được lưu chuyển trên hệ thống mạng.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, lãnh đạo Sở Tư pháp cũng thẳng thắn nhìn nhận: Dù đã có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ, song vẫn còn một số nhiệm vụ còn chậm tiến độ hoàn thành do thời hạn được giao thực hiện gấp, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương chưa được chặt chẽ, chưa giải quyết kịp thời những phát sinh, vướng mắc trong công tác quản lý. Trong quá trình triển khai, Hải Phòng gặp nhiều khó khăn do được giao nhiều nhiệm vụ phức tạp và cần phải phối hợp, xin ý kiến của các Bộ, Sở, ngành, địa phương.

Chuyển đổi tư duy từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo phát triển

Biểu dương thành tích của ngành Tư pháp trong năm vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam đề nghị trong thời gian tới, Sở Tư pháp, ngành Tư pháp cần tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ chính. Trong đó, “Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo ra hành lang pháp lý vì một môi trường kinh tế - xã hội minh bạch, bình đẳng, cởi mở và văn minh là một nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, điều mà lãnh đạo TP quan tâm nhất hiện nay là xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật sao cho vừa cụ thể hóa luật, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn, dự liệu được sự phát triển kinh tế-xã hội của Hải Phòng”, ông Nam nhấn mạnh.

Thời gian tới, ngành Tư pháp cần có giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức THPL, từ khâu PBGDPL đến kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi THPL; kịp thời phát hiện những quy định bất hợp lý để kiến nghị sửa đổi. Ông Nam đặc biệt lưu ý nhiệm vụ chuyển đổi tư duy từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo phát triển để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp đồng thời đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhân dịp này, các tập thể và Giám đốc Sở Tư pháp TP Hải Phòng đã được nhận Cờ và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; UBND TP Hải Phòng khen thưởng. 05 đơn vị được Giám đốc Sở Tư pháp công nhận là tập thể lao động tiên tiến; 20 cá nhân được được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở.

Về đội ngũ hòa giải viên cơ sở: Hải Phòng có 2.432 tổ hòa giải với 12.835 hòa giải viên, trong đó có 426 hòa giải viên có chuyên môn luật, phần lớn các hòa giải viên đều có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên và là thành viên nòng cốt của cấp ủy chi bộ, mặt trận và các tổ chức đoàn thể.

Về công tác chứng thực: Công tác chứng thực bản sao điện tử từ bản chính được thực hiện tương đối tốt và đồng bộ tại các quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Trong năm 2022, toàn TP đã phát sinh chứng thực 24.108 bản sao điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trong năm, Sở Tư pháp đã cấp 21.500 Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam và người nước ngoài đang tạm trú tại Hải Phòng (tăng hơn 8.000 trường hợp so với năm 2021).

Đọc thêm