Thu hút nhân tài trong và ngoài nước
Ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tháng 9/2023, Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án và Nghị quyết về thu hút, trọng dụng nhân tài. Đây là cơ hội để Hải Phòng đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP; thực trạng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, đồng thời xác định nhu cầu về nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Anh Quân chia sẻ: “Tại Hải Phòng, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài sẽ được thực hiện qua đánh giá, tiến cử, tự tiến cử gắn với thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức; tuân thủ đúng quy định của pháp luật về công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.
Hải Phòng cũng phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, người giới thiệu, tiến cử nhân tài; chú trọng nguyên tắc công khai, minh bạch trong tiến cử, tự tiến cử, lựa chọn, công nhận nhân tài. Giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phát hiện, tiến cử và thực hiện chính sách đối với nhân tài bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất. Hải Phòng cũng có chính sách khen thưởng, tôn vinh và xử lý nghiêm các vi phạm chính sách nhân tài.
Ngoài ra, việc xác định nhu cầu của từng ngành về nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung vào 4 nhóm đối tượng, gồm: Học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, có tố chất, năng khiếu nổi trội từ các cơ sở giáo dục, đào tạo; người có học vị, học hàm thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư, có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực nổi trội, luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, công vụ; người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, Trưởng phòng Cải cách hành chính & Pháp chế, Sở Nội vụ, đơn vị được UBND TP Hải Phòng giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Đề án và Nghị quyết cho biết: “Việc xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài có hiệu quả là nhiệm vụ rất khó. Thực tế những năm qua, nhiều tỉnh, TP đã triển khai đa dạng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài nhưng hiệu quả đạt được còn khiêm tốn. Để cơ chế, chính sách mới có tính chất “đột phá” hơn so với các tỉnh, thành phố khác và mang lại hiệu quả thu hút, trọng dụng nhân tài thực sự, Sở Nội vụ đang phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia để đội ngũ chuyên gia của Học viện tiếp cận, nghiên cứu thực tiễn của TP, từ đó, hỗ trợ, tư vấn xây dựng Đề án. Hiện nay, Sở Tài chính đã thẩm định và trình UBND TP để phân bổ kinh phí đối với nhiệm vụ này”.
Bên cạnh các chính sách “quen” như chính sách tuyển dụng; chính sách hỗ trợ kinh phí; chính sách đặt hàng chuyên gia, nghiên cứu khoa học; chính sách hỗ trợ nhà ở; chính sách đào tạo, bồi dưỡng; chính sách bổ nhiệm; chính sách khen thưởng, Đề án dự kiến sẽ nghiên cứu bổ sung thêm những cách thức phù hợp hơn với các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong điều kiện hiện nay như: Làm việc theo cơ chế hợp đồng, dự án; làm việc trực tuyến…
Bắt đầu từ quý IV/2023, Sở Nội vụ đã bắt tay vào nhiệm vụ khảo sát, lấy số liệu, thông tin. Việc soạn thảo dự thảo Tờ trình, Đề án và dự thảo Nghị quyết sẽ được thực hiện trong quý I/2024. Sau khi tổ chức hội thảo, xin ý kiến góp ý vào Đề án và dự thảo Nghị quyết; Sở Tư pháp thẩm định về dự thảo vào tháng 4/2024, Sở Nội vụ sẽ hoàn thiện dự thảo Tờ trình, đề án của UBND TP và dự thảo Nghị quyết HĐND TP, dự thảo báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND TP trình Ban Thường vụ xem xét, chỉ đạo vào tháng 5/2024. Dự kiến, Hải Phòng sẽ xem xét thông qua Đề án và Nghị quyết vào kỳ họp cuối năm 2024.
|
Hải Phòng khen thưởng 2 nam sinh giành Huy chương Olympic Toán quốc tế và thầy cô bồi dưỡng các em hơn 1,6 tỷ đồng. (Ảnh: A.T) |
Chú trọng giáo dục mũi nhọn
Trước đây, Hải Phòng cũng đã xây dựng hàng loạt chính sách với phương châm coi trọng hiền tài và “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Hải Phòng địa phương đầu tiên ban hành chính sách về phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Hải Phòng là cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về mức chi khen thưởng học sinh, giáo viên giỏi với mức thưởng lên đến 500 triệu đồng.
Cho đến thời điểm hiện tại, Nghị quyết 06/2018/NQ-HĐND được ban hành vào năm 2018 của TP Hải Phòng đã và đang thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh trong việc thúc đẩy chất lượng giáo dục “mũi nhọn”. Chính sách này đã trở thành động lực thôi thúc thầy, trò cũng như các nhà trường trong việc phát huy hết khả năng, lan toả tinh thần hiếu học, truyền đi thông điệp và cảm hứng tích cực để ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hải Phòng tiếp tục gặt hái những thành tích xuất sắc.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hải Phòng Bùi Văn Kiệm cho biết, trong năm học vừa qua, Hải Phòng đã đạt 76 giải học sinh giỏi quốc gia, đứng thứ 4 toàn quốc; đạt 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế, 1 Huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế; có 2 dự án Khoa học kỹ thuật được chọn dự thi quốc tế tại Hoa Kỳ; đứng thứ 6 toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, có học sinh đạt thủ khoa khối D1 toàn quốc. Hải Phòng cũng là 1 trong 9 địa phương được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2019, HĐND TP tiếp tục ban hành Nghị quyết số 54 về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến THPT; Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND quy định một số mức hỗ trợ thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn Hải Phòng. Những chính sách trên đã thúc đẩy ngành Giáo dục đổi mới tư duy, hành động khi chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, giáo dục “mũi nhọn” ngày càng vươn xa.
Thời gian tới, ngành GD&ĐT TP Hải Phòng xác định phải triển khai nhanh chóng hàng loạt giải pháp để phát triển giáo dục “mũi nhọn” như: Đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng các trường THCS trọng điểm tại các quận, huyện; đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật tại một số trường trọng điểm; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, phòng thí nghiệm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh để phục vụ kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực và quốc tế…
Thầy giáo Đoàn Thái Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Phú, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển của TP tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế tại Hải Phòng, đánh giá: Nhiều năm gần đây, Trường THPT chuyên Trần Phú đã chủ động tìm kiếm, phát hiện học sinh có tố chất từ các quận, huyện trên toàn TP, tạo điều kiện để các em được nuôi dưỡng đam mê với học tập... Để phát triển thành công ngành giáo dục mang tính “mũi nhọn”, nguồn giáo viên có chất lượng cao là yếu tố mang tính tiên quyết. Do đó, trường THPT chuyên Trần Phú cũng từng bước thu hút giáo viên giỏi từ các tỉnh khác…
Tuy nhiên, việc thu hút “hiền tài” cũng gặp những khó khăn nhất định. Hiện, Hải Phòng chưa có trường chuyên từ cấp THCS. Mặc dù được hỗ trợ tiền thuê nhà nhưng một số giáo viên giỏi cũng chưa thực sự “mặn mà” chính sách này do chưa có chỗ ăn, ở đủ điều kiện. Nhà trường mong muốn được TP, các cấp quan tâm sớm xây dựng ký túc xá để hỗ trợ tốt hơn cho các học sinh ngoại thành cũng giáo viên ở tỉnh ngoài tới nhà trường công tác.