Hải Phòng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ

Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC), số vụ cháy nổ cũng như thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn Hải Phòng có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, công tác ngăn ngừa, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất vẫn chưa có chuyển biến lớn...
Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC), số vụ cháy nổ cũng như thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn Hải Phòng có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, công tác ngăn ngừa, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất vẫn chưa có chuyển biến lớn.

Thiệt hại cả người và tài sản

Theo báo cáo của UBND TP Hải Phòng, kể từ khi Luật PCCC có hiệu lực, đến nay Hải Phòng đã xảy ra 638 vụ cháy làm 48 người bị thiệt mạng, 117 người bị thương, gần 50 tỷ đồng tiền hàng hóa, tài sản bị thiêu rụi. Trong tổng số 638 vụ cháy nổ, khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài chỉ xảy ra 3 vụ. Khối kinh tế tư nhân xảy ra tình trạng cháy nổ nhiều nhất, tiếp đến là khối kinh tế tập thể. Nhiều vụ cháy nổ để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy ngày 29/7/2011 tại xưởng gia công mũi giày tư nhân trên địa bàn thôn Đại Hoàng 2, xã Tân Dân, huyện An Lão khiến 13 người chết, 25 người bị thương. Khối DN liên doanh với nước ngoài tuy số vụ cháy chiếm 1 tỷ lệ nhỏ, (25 vụ), nhưng lại thiệt hại lớn về tài sản.

Lĩnh vực vận tải thủy, đóng tầu biển, một trong những ngành nghề kinh tế trọng điểm của Hải Phòng cũng liên tiếp xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại cả người và tài sản. Điển hình như vụ tàu chở 120 tấn dầu của Cty TNHH Vương Duy bị phát nổ khiến 4 thủy thủ thiệt mạng, 3 thuyền viên bị thương nặng.  Mới đây, ngày 5/8/2011, tại nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, tàu biển 17.500 tấn đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị hạ thủy bị phát nổ khiến một công nhân tử nạn, ba công nhân khác bị thương nặng.
Ảnh minh họa.
Theo đánh giá của UBND TP Hải Phòng, trong những năm qua, các cơ quan, DN trên địa bàn Hải Phòng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công tác PCCC, nhiều DN như Cty Xăng dầu khu vực 3, Xí nghiệp xăng dầu K131, Xăng dầu Petex, Cảng Hải Phòng, Cảng hàng không Cát Bi đã xây dựng, duy trì một lực lượng PCCC tại chỗ. Có đến 80% các vụ cháy nổ trên địa bàn được lực lượng PCCC tại chỗ phát hiện kịp thời, tổ chức cứu chữa từ đầu đã góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản.

Còn nhiều thách thức

Từ khi Luật PCCC có hiệu lực, Hải Phòng đã ban hành tới 15 văn bản chỉ đạo về công tác PCCC; xây dựng củng cố 3.236 đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở. Mở hơn 2.000 lớp tuyên truyền nghiệp vụ PCCC cho hơn 100.000 cán bộ, nhân dân ở những khu vực dễ cháy nổ, cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 29.470 cá nhân; gần 2.000 phương án chữa cháy từ cấp xã, phường đến cấp TP được thông qua,  

Trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020 với mục tiêu đưa Hải Phòng cơ bản trở thành một TP công nghiệp văn minh, hiện đại, Hải Phòng sẽ tập trung thực hiện môt số dự án lớn, trọng điểm như: Đầu tư xây dựng khu đô thị mới Ngã 5 – Sân bay Cát Bi, Khu đô thị Hồ Sen- Cầu Rào, Khu đô thị - công nghiệp – dịch vụ Bắc sông Cấm, Cảng sân bay Cát Bi, Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải…  Do vậy, công tác PCCC được dự báo sẽ có nhiều thách thức mới. Nhằm đấu tranh, phòng ngừa, hạn chế cháy lớn xảy ra, kiềm chế sự gia tăng của nạn cháy, góp phần giữ vững an ninh trật tự, Hải Phòng đã quy hoạch nhiều địa điểm xây dựng mới các doanh trại PCCC trên địa bàn khu vực Máy Chai (quận Ngô Quyền), Quán Toan (quận Hồng Bàng), Cát Bà (huyện Cát Bà), Núi Đèo, Minh Đức (huyện Thủy Nguyên).

Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát PCCC, theo đánh giá của UBND TP Hải Phòng vẫn còn nhiều hạn chế, hầu hết các trang thiết bị PCCC đã lạc hậu và cũ kỹ. Trong nhiều năm, từ cấp bộ, ngành chủ quản PCCC mới đầu tư cho Hải Phòng 2 xe thang chữa cháy nhà cao tầng, 2 xuồng phục vụ chữa cháy, một xe cứu nạn, 7 xe chữa cháy. Sự đầu tư từ chính quyền địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc đầu tư cho có. Việc hình thành các đội chữa cháy tại các khu vực Máy Chai, Quán Toan, Núi Đèo, Minh Đức, Cát Bà theo đề xuất của CA TP Hải Phòng mới chỉ dừng lại ở việc đề xuất, chưa được triển khai xây dựng.

Theo đánh giá của UBND TP Hải Phòng, nguy cơ cháy nổ trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn, nhất là tại các chợ lớn, các cơ sở sản xuất gia công da giầy và may mặc. Hệ thống điện còn nhiều bất cập trong khâu cung cấp và sử dụng. Hơn hết, ý thức của một số cấp chính quyền, chủ DN chưa cao trong việc chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, hoạt động của đội PCCC cấp xã phường chưa thường xuyên, còn mang tính hình thức. Sự quan tâm, đầu tư cho công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ từ chính UBND TP Hải Phòng chưa tương xứng với vị trí vai trò nhiệm vụ của công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội bền vững trong giai đoạn mới.

Vì vậy, ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, để hạn chế, tiến tới giảm thiểu số vụ cháy nổ trên địa bàn, ngoài kế hoạch xây dựng các đội PCCC chuyên trách, đảm bảo 100% cơ quan, DN và 100 % chính quyền cấp xã có lực lượng và phương tiện PCCC tại chỗ, công tác thẩm duyệt PCCC đối với các công trình xây dựng mới, cải tạo, nhất là các công trình xây dựng có liên quan đến an toàn PCCC như các Khu công nghiệp, Khu đô thị, Trung tâm thương mại, nhà cao tầng chỉ được thông qua khi đã được cơ quan PCCC thẩm duyệt về PCCC.

Linh Nhâm

Đọc thêm