Hải Phòng trên hành trình xây dựng nông thôn mới

(PLVN) - Xác định xây dựng NTM là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn TP Hải Phòng đã đoàn kết, đồng thuận, sáng tạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các nguồn lực để xây dựng NTM. Với phương châm “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra giám sát - dân hưởng thụ hưởng”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn thành phố đã trở thành phong trào sâu rộng, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Kết quả đạt được trong xây dựng NTM những năm qua là yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển toàn diện của TP.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn Hải Phòng.

Dành nguồn lực lớn thay đổi diện mạo nông thôn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thành phố Hải Phòng bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2011 trên địa bàn 137 xã và 8 huyện. Với quan điểm “xây dựng nông thôn mới là không có điểm dừng”, từ thành công xây dựng NTM, các địa phương trên địa bàn TP tiếp tục tập trung mọi nguồn lực thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và đã đạt những những kết quả bước đầu, qua đó tạo nên một diện mạo mới, sức sống mới trên miền quê Hải Phòng.

Đến nay, 100% số xã đạt chuẩn NTM (theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2010 – 2020); 100% xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (trong đó 22 xã công nhận theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2018 – 2020; 115 xã công nhận theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025); 105 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu (theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025); 7/8 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM; 2/8 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên được quan tâm, TP đã ban hành trên 20 Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch. Đáng chú ý, Hải Phòng luôn ưu tiên bố trí nguồn lực lớn từ ngân sách TP cho Chương trình NTM. Trong giai đoạn 2021 – 2024, tổng nguồn lực TP huy động cho chương trình ước đạt 63.097 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách trực tiếp (bao gồm vốn đầu tư công 10.690 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư các công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế; 104 tỷ đồng vốn sự nghiệp hỗ trợ chi phí chỉ đạo, điều hành, quản lý, tuyên truyền cho các sở, ngành, địa phương; tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân; quản lý, vận hành hệ thống điện chiếu sáng; chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân; hỗ trợ hoàn thành các chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí cấp xã..); 8.553 tỷ đồng vốn lồng ghép; 28.055 tỷ đồng vốn tín dụng; 4.860 tỷ đồng vốn huy động doanh nghiệp; 10.835 tỷ đồng vốn huy động đóng góp của Nhân dân thông qua hình thức tặng cho quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình NTM, vốn đối ứng của nhân dân để thực hiện các chính sách tín dụng.

Song song với việc đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, TP đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và xử lý rác thải, thực hiện chuyển đổi số, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, bảo vệ an ninh trật tự…

Năm 2025, TP đặt ra mục tiêu có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu và TP sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Các công trình hạ tầng kinh tế xã hội sau đầu tư đã từng bước định hình diện mạo khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, tiệm cận với đô thị. Cụ thể, các tuyến đường đã được chỉnh trang, thảm nhựa rộng 3,5m, 5,5m, 7m, 9m, bố trí điện chiếu sáng, trồng cây xanh, bố trí vỉa hè (loại đường 7m, 9m)... cơ sở vật chất giáo dục, y tế, văn hoá đã được đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.

Phát huy sự sáng tạo, chủ động, tích cực trong xây dựng NTM

Trong quá trình triển khai chương trình xây dựng NTM, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn tại địa phương cũng cho thấy không ít khó khăn, thách thức phát sinh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP,từ chính những thuận lợi, thách thức đó có thể thấy rằng xây dựng NTM đạt kết quả tốt và thành công khi có sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị và người dân, trong đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện và sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể chính trị - xã hội là nhân tố quan trọng. Sự tham gia tích cực với vai trò chủ thể của người nông dân là yếu tố quyết định.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình và tổ chức thành phong trào sâu rộng đến các hộ nông dân một cách thiết thực. Đổi mới phương pháp tuyên truyền từ truyền thông diện rộng sang phản ánh nội dung, phương thức thực hiện, gương người tốt việc tốt, kết quả các công trình điển hình để người dân thấy ý nghĩa thiết thực nhằm lôi cuốn nhiều hơn người dân tham gia phong trào.

Ngoài ra, coi trọng việc huy động, ưu tiên, bố trí nguồn lực từ ngân sách thỏa đáng, phân cấp mạnh mẽ, giao quyền chủ động cấp huyện, cấp xã trong việc quyết định đầu tư các công trình, tiêu chí, nội dung xây dựng NTM, kết hợp với công tác kiểm tra, giám sát. Chú trọng huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân...

Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng được nhân dân đồng tỉnh, ủng hộ cao.

Trong quá trình thực hiện phải chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời cách làm, phát huy sự sáng tạo, chủ động, tích cực của của các cấp, các ngành và nhân dân trong xây dựng NTM.

Năm 2025, TP đặt ra mục tiêu lớn cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là phấn đấu có 100% số xã (trừ 4 xã Đồng Bài, Nghĩa Lộ, Hoàng Châu, Văn Phong thuộc huyện Cát Hải) cơ bản đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu và TP sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Để đạt được mục tiêu đề ra, TP đã xác định rõ các giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung cao cho việc triển khai xây dựng các công trình NTM kiểu mẫu trên địa bàn các xã thực hiện từ năm 2024; duy trì, hoàn thiện, giữ vững các chỉ tiêu, tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đã đạt, nhất là các chỉ tiêu, tiêu chí về An ninh trật tự, môi trường, phát triển sản xuất. Triển khai ngay các trình tự, thủ tục xét công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đối với các xã đủ điều kiện.

Mặt khác, tập trung triển khai thực hiện các tiêu chí để cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định huyện NTM kiểu mẫu. Nghiên cứu, lựa chọn xây dựng mỗi huyện có tối thiểu 1 mô hình xã NTM thông minh. Và triển khai các trình tự, thủ tục về hồ sơ đề nghị Trung ương thẩm định, xét, công nhận Hải Phòng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM để phấn đấu trong Quý III/2025, sẽ được Thủ tướng Chính phủ công nhận…

Công tác tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn TP Hải Phòng đã được quan tâm thường xuyên, nhất là tuyên truyền vận động nhân dân tặng cho quyền sử dụng đất xây dựng NTM, bình quân mỗi xã tổ chức trên 30 cuộc họp với nhân dân để tuyên truyền, thống nhất phương án tặng cho quyền sử dụng đất, mở rộng các công trình; qua đó, vận động trên 45.000 trường hợp tự nguyện tặng cho quyền sử dụng trên 834.000 m2 đất, giá trị ước tính đạt trên 5.600 tỷ đồng.

Đọc thêm