Hải Phòng xây dựng quy chế phối hợp, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuỷ sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tháng 2/2024, UBND TP Hải Phòng xây dựng quy chế quy định nguyên tắc, trách nhiệm, nội dung và trình tự phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các cấp có trách nhiệm liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, trên địa bàn Hải Phòng sẽ có các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hải Phòng, UBND các quận huyện, UBND các xã, phường, thị trấn, lực lượng công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng Kiểm ngư, Hải quan, Cục Quản lý thị trường và công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản có trách nhiệm xác minh, xử lý thông tin trong lĩnh vực quản lý thủy sản.

Ngoài ra, các cơ quan đơn vị thuê bao dịch vụ, cung cấp thiết bị giám sát hành trình cũng có trách nhiệm phối hợp cùng cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản.

Các sở, ngành và UBND các cấp có trách nhiệm chủ động phối hợp, thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản để đảm bảo nguyên tắc tất cả hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản được xử lý đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Đối với hoạt động khai thác thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, UBND các cấp thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm về khai thác thuỷ sản, thực hiện ngăn chặn bằng những biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật; lập biên bản ban đầu để ghi nhận sự việc, xử lý hoặc chuyển hồ sơ, kiến nghị đến người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định.

Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra trực tiếp hoặc thông qua Hệ thống giám sát hành trình tàu cá quốc gia (VMS), kịp thời phát hiện các trường hợp tàu cá vi phạm khai thác thủy sản; tiếp nhận thông tin từ Cục Thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất 24m trở lên vi phạm và tiếp nhận thông tin từ các tổ chức, cá nhân khác; thông báo, phối hợp với UBND cấp xã, Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng, Công an xã, tổ chức quản lý cảng cá để xác minh, lập biên bản làm việc ban đầu về vi phạm theo quy định.

Trạm kiểm soát Biên phòng kiểm soát cả tàu cá tại các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá để phát hiện hành vi vi phạm; phối hợp với UBND cấp xã, lực lượng chức năng áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định.

Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, UBND các cấp, các tổ chức, cơ quan được giao nhiệm vụ có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm về nuôi trồng thủy sản, thực hiện những biện pháp ngăn chặn phù hợp với quy định của pháp luật; lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc, xử lý hoặc chuyển hồ sơ, kiến nghị đến người có thẩm quyền xử lý.

UBND xã, Trạm kiểm soát Biên phòng kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm về nuôi trồng thủy sản, phối hợp với Phòng chức năng của UBND cấp huyện để áp dụng biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm phù hợp với quy định của pháp luật. Chi cục Thủy sản thường xuyên kiểm tra, phối hợp với UBND cấp xã, các phòng, đơn vị chức năng của UBND cấp huyện, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có thẩm quyền xác minh hành vi vi phạm để lập hồ sơ xử lý hoặc chuyển hồ sơ, kiến nghị đến người có thẩm quyền xử lý.

Thanh tra các Sở Tài Nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm theo lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực thuỷ sản….

Đọc thêm