Ngày 2/8, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hải Phòng mới thị sát, làm việc với lãnh đạo, quân và dân huyện đảo Bạch Long Vĩ để bàn biện pháp thu hút khách du lịch cho đảo trong những năm tới. Để có thể thu hút khách du lịch, đưa đảo Bạch Long Vĩ “gần” hơn với đất mẹ, Hải Phòng quyết định quy hoạch khu tiền phương của huyện đảo tại đất liền, đầu tư 172 tỷ đồng đóng mới tầu ra đảo, lập dự án xây dựng sân bay cho đảo.
Tàu thuyền tấp nập trên biển Bạch Long Vĩ. |
Một tiềm năng lớn
Huyện đảo Bạch Long Vĩ nằm ở trung tâm Vịnh Bắc Bộ, không chỉ là một ngư trường có trữ lượng cá lớn nhất Vịnh, còn đó những bờ cắt trắng, nắng vàng, những rặng san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn gần như còn nguyên sinh trên đảo.
Ngoài ra, trên đảo Bạch Long Vĩ hiện hữu nhiều di tích lịch sử như đền thờ Đức Thánh Trần, Chùa Bạch Long Tự và Lầu Phật; những công trình kiến trúc mang nét riêng của đảo như Trạm điện sức gió, những âu tầu, khu hậu cần nghề cá hứa hẹn là những điển tham quan thú vị của du khách.
Đặc biệt hơn cả, đảo Bạch Long Vĩ và ngư trường ven đảo được biết đến là địa chỉ có loài bào ngư thuộc hàng “sơn hào hải vị”, một loại hải sàn giàu dược tính, có khả năng bổ âm, tăng khí, hạ nhiệt, tăng cường sinh lực cho nam giới, giúp sáng mắt, trị ho, khó tiêu.
Vỏ và ruột bào ngư đều được dùng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ. Nhiều vùng biển ở nước ta có bào ngư sinh sống, nhưng bào ngư ngon nhất, bổ nhất và nổi tiếng nhất chỉ có ở khu vực biển thuộc đảo Bạch Long Vĩ…
Để có thể đón du khách đến với đảo, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt, độc lập; đưa ngành du lịch biển trở thành ngành kinh tế chủ lực, kết hợp giữ du lịch trên bờ, trên biển và trên các đảo, trong những năm vừa qua, Hải Phòng đã xúc tiến, lập dự án, đưa vùng đảo Bạch Long Vĩ vào nghiên cứu để thành lập khu bảo tồn biển.
Ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở TN&MT TP Hải Phòng cho biết, hồ sơ thành lập khu bảo tồn biển đã được trình Bộ TN&MT.
Mô hình kinh tế đảo tiền tiêu
Những năm vừa qua, đảo Bạch Long Vĩ được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trên 40 công trình được xây dựng đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Ngoài khu hậu cần nghề cá phía Nam của đảo đủ sức đáp ứng nhu cầu cung ứng dịch vụ dầu, nước, sửa chữa, neo đậu tránh bão cho khoảng 20.000 lượt tàu đánh bắt thủy hải sản trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ ra vào cảng mỗi năm.
Đảo đang được đầu tư xây mới một khu cảng, khu neo đậu tầu ở phía Bắc. Cùng với Trạm cảnh sát biển, Trung tâm cứu hộ, cứu nạn của lực lượng vũ trang, cảng và khu neo đậu tầu phía Bắc sẽ trở thành nơi cứu hộ, cứu nạn cho các tàu cá hoạt động trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ.
Chỗ dựa để ngư dân bám biển
Mới đây, ngày 30/7, Hải Phòng đã phê duyệt Dự án đóng mới tàu chở khách và hàng hóa kết hợp chở khách du lịch ra đảo. Con tàu được đóng mới này cùng với tàu Bạch Long –một tàu hiện có của huyện đảo, sẽ là cầu nối giữa đảo với đất liền. Song song với việc đóng mới tàu, Hải Phòng cũng đang nghiêm cứu đề xuất xây dựng cầu tầu và khu tiền phương của huyện đảo trên địa bàn xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy.
Dự kiến, với việc xây dựng khu tiền phương của huyện trên địa bàn xã Đoàn Xá, thời gian chạy tàu từ đất liền ra đảo sẽ được rút ngắn xuống còn khoảng 4 giờ, tiết kiệm được khoảng 20-25% chi phí cho nhiên liệu chạy tầu. Lãnh đạo huyện đảo Bạch Long Vĩ cũng đề nghị Hải Phòng nghiên cứu xây dựng cho huyện đảo một sân bay taxi để phục vụ nhu cầu ngày càng phát triển của huyện đảo.
Theo ông Ninh Văn Dũng, Bí thư huyện đảo Bạch Long Vĩ, mặc dù xa cách đất liền hàng trăm km, điều kiện kinh tế – xã hội của huyện đảo còn nhiều khó khăn nhưng trên địa bàn không có hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm. Có những hộ dân như hộ gia đình ông bà Phạm Thế Cường, Lê Thị Tuyết đã đầu tư tới 5 tỷ đồng ra đảo để kinh doanh, làm dịch vụ thu mua hải sản trên đảo.
Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng thể hiện quyết tâm: phát triển kinh tế đảo phải gắn với kinh tế biển, đảo Bạch Long Vĩ phải là chỗ dựa để ngư dân yên tâm đánh bắt cá xa bờ, ngư dân cùng chính quyền tham gia bảo vệ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.
Xác định nhiệm vụ giữ an ninh trật tự trên đảo và vùng biển là nhiệm vụ trọng tâm, trong những năm vừa qua, lực lượng công an, Đội dân quân tự vệ của đảo đã phát hiện hơn 10.000 lượt tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển, xua đuổi hơn 1.000 lượt tàu cá Trung Quốc đánh bắt trộm thủy hải sản trong ngư trường, vi phạm Hiệp định vùng đánh cá chung được ký giữa hai nước.
Linh Nhâm