Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường, Quyết định 2413/QĐ-BTC ngày 23/11/2017 là cơ sở quan trọng để cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế trao đổi thông tin, đem lại hiệu quả trong việc quản lý hải quan, đồng thời đáp ứng được yêu cầu quản lý DN, tạo thuận lợi cho DN… Hướng tới hiện đại hoá thông tin quản lý, xử lý tự động dữ liệu thông tin phục vụ cho công tác quản lý hải quan, quản lý thuế.
Với mục tiêu đề ra đòi hỏi việc thay đổi công tác phối hợp giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế là rất quan trọng, trong đó thay đổi lại cách tiếp cận thông tin, thay đổi lại hình thức trao đổi thông tin cũng như linh hoạt hơn trong việc cung cấp và trao đổi thông tin giữa 2 đơn vị là vấn đề cần đặt ra- Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường nhấn mạnh.
Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí, thông tin dữ liệu về quản lý DN của ngành Thuế và ngành Hải quan là rất lớn. Hiện cả 2 ngành đều đang đứng trước yêu cầu phải điện tử hoá công tác quản lý, vì vậy việc cung cấp thông tin, xử lý chính xác dữ liệu thông tin, cách tiếp cận thông tin là rất quan trọng, đòi hỏi sự đổi mới trong cách thức thực hiện cũng như đổi mới tư duy trong cách cùng phối hợp giữa 2 ngành để cùng có một cơ sở dữ liệu thống nhất, quản lý hiệu quả nhất.
Tại hội nghị, ý kiến của lãnh đạo Cục Thuế và Cục Hải quan tỉnh, thành phố đều cho rằng, việc cùng ngồi bàn bạc và cùng trao đổi để thống nhất một cách thức thực hiện là rất tốt và sẽ đem lại hiệu quả. Nhiều ý kiến tham luận đã đưa ra giải pháp trong công tác phối hợp của cả hai đơn vị trong thời gian tới.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp cho rằng, cả cơ quan Hải quan và Thuế có thuận lợi là có nền tảng quản lý công nghệ thông tin hiện đại. Vì vậy, trong thời gian tới cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế có thể phối hợp với nhau trong việc theo dõi hoạt động của DN, theo dõi tình trạng nợ thuế của DN để tránh tình trạng DN nợ thuế của Hải quan nhưng vẫn được cơ quan Thuế nội địa hoàn thuế GTGT, hay tình trạng DN bị cơ quan Thuế nội địa đóng mã số thuế nhưng vẫn mở được tờ khai hải quan… Để làm được nội dung này chỉ cần Hải quan và Thuế thay đổi cách ứng dụng công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cũng đưa ra một số nội dung mà cơ quan Hải quan và Thuế có thể cùng nhau thực hiện nếu có công tác phối hợp tốt, như: công tác quyết toán thuế đối với DN sản xuất XK, DN thực hiện gia công; công tác kiểm tra sau thông quan của cơ quan Hải quan và thanh tra thuế của cơ quan Thuế nội địa cũng có thể kết hợp. Hoặc cả hai cơ quan cùng kết hợp quản lý thông tin trong công tác chống chuyển giá…
Đồng tình với quan điểm của Hải quan TPHCM, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Kiên Giang cho rằng, trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế thì yếu tố công nghệ thông tin cần phải được chú trọng, và cần điện tử hoá công tác phối hợp, thay vì trao đổi bằng văn bản nên bằng những dữ liệu điện tử, chỉ nên loại trừ một số trường hợp yêu cầu bắt buộc phải có những văn bản xác nhận trong các trường hợp cưỡng chế thuế.
Đưa ra ý kiến tại hội nghị, phía cơ quan Thuế nội địa cho rằng, thời gian qua công tác phối hợp giữa cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt cơ quan Thuế chỉ xem được thông tin của cơ quan Hải quan đưa lên nhưng chưa kết xuất dữ liệu để phục vụ công tác thống kê, đánh giá của cơ quan Thuế.
Triển khai quy chế phối hợp mới, cơ quan Thuế sẽ thiết lập các đầu mối phối hợp, tăng cường đôn đốc, chấn chỉnh; thường xuyên việc cập nhật đầy đủ, kịp thời dữ liệu vào hệ thống; xây dựng Quy chế sử dụng các hệ thống thông tin, trong đó quy định trách nhiệm của công chức trong việc cập nhật thông tin đầy đủ, kịp thời vào hệ thống.
Một trong những nội dung được các ý kiến đưa ra là nên có chung một hệ thống quản lý thông tin nợ thuế của DN để cả cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế cùng khai thác và xử lý. Các ý kiến tại hội nghị đều đã được lãnh đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan ghi nhận và trao đổi.