Hải quân Việt Nam anh hùng và hành trình 70 năm giữ biển

(PLVN) -Với những chiến công đã đi vào huyền thoại, ngày hôm nay, Hải quân nhân dân Việt Nam đang viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, góp phần quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chuẩn Đô đốc Đỗ Quốc Ân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Trưởng Đoàn công tác số 10, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Phó Trưởng đoàn và Đại tá Bùi Quang Thuyên, Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân tại Lễ chào cảng tiễn tàu 571 ra khơi thăm quần đảo Trường Sa tháng 4/2025

Cách đây 70 năm (ngày 7/5/1955), Bộ Quốc phòng ra Nghị định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay. Cục Phòng thủ bờ bể là “cơ quan giúp Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các khu và liên khu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển”. Sự ra đời này, đánh dấu bước khởi đầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa lớn

Những ngày đầu được thành lập gồm 2 đơn vị là Trường Huấn luyện bờ bể và Xưởng 46, với 141 cán bộ, chiến sĩ; tiếp đó là 2 thủy đội Sông Lô, Bạch Đằng - “những viên gạch đầu tiên” để Hải quân nhân dân Việt Nam vượt lên mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh, hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

4 năm sau đó, với việc thành lập Cục Hải quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của Cục Phòng thủ bờ bể từ cơ quan nghiên cứu chuyển sang chỉ đạo, chỉ huy mọi hoạt động của lực lượng hải quân. Sau gần 9 năm xây dựng (5/1955-12/1963), Hải quân nhân dân Việt Nam đã có các lực lượng tàu tuần tiễu ven biển, tàu phóng ngư lôi, tàu săn ngầm, vận tải, trinh sát và một số tàu phục vụ khác như tàu dầu, tàu chở nước, tàu đo đạc biển, tàu trục vớt…, có khả năng tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng chiến đấu trên biển; hệ thống cầu cảng, các đơn vị công binh công trình, lực lượng bảo đảm, phục vụ cùng với các cơ sở vật chất kỹ thuật đã được xây dựng; hệ thống ra đa, đài trạm quan sát được bố trí dọc ven biển từ Quảng Ninh đến Cửa Tùng. Cùng với phát triển hệ thống tàu và các công trình trên biển, những năm sau đó là sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ hải quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Chuyển hàng xuống tàu chi viện cho chiến trường miền Nam (Ảnh Tư liệu)

Nhiều chiến công của Hải quân Việt Nam đã đi vào huyền thoại, như đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc ngày 2/8 và trong đánh trả máy bay giặc Mỹ xâm lược ngày 5/8/1964 . Hay trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Quân chủng Hải quân đã phối hợp, tổ chức tiến công giải phóng các tuyến đảo ven bờ và quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi vĩ đại, trọn vẹn của dân tộc.

Chiến sỹ trên đảo Song Tử Tây

Chiến công của Hải quân nhân dân Việt Nam góp phần viết tiếp bản hùng ca bất tận của lịch sử dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, hàng nghìn Anh hùng liệt sĩ Hải quân đã anh dũng ngã xuống, hàng chục nghìn thương binh đã để lại một phần máu xương của mình trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, trước những diễn biến hết sức phức tạp trên biển, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, tuyệt đối “không để Tổ quốc bị bất ngờ từ hướng biển”.

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang "Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng". Những chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng Hải quân đã Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Hải quân nhân dân Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước 2 lần tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng 2 Huân chương Sao vàng; 2 Huân chương Hồ Chí Minh; 2 Huân chương Độc lập; 3 Huân chương Quân công; 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 1 Huân chương Lao động hạng Ba...

Có 82 lượt tập thể và 58 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập, Quân chủng Hải quân vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là phần thưởng cao quý, ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc và sự trưởng thành, tiến bộ vượt bậc của Quân chủng Hải quân trong những năm qua.

Viết tiếp những trang sử vàng truyền thống, Hải quân nhân dân Việt Nam luôn khắc cốt ghi tâm lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm cán bộ, chiến sĩ Hải quân: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó", nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; đoàn kết đồng lòng, chung sức xây dựng, chiến đấu và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đọc thêm