Trước tình hình đó, từ năm 2013 Tổng cục Hải quan đã chuyển hướng chỉ đạo tập trung vào địa bàn kiểm soát hải quan. Nâng cao hoạt động của lực lượng chuyên trách, đồng thời đưa lực lượng cán bộ, công chức trong dây chuyền thủ tục hải quan ở các chi cục thông qua công tác kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa, hành lý xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh để phát hiện việc vận chuyển, buôn bán ma túy và gian lận trong hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất.
Để thực hiện được việc chuyển hướng trên, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan xây dựng 02 kế hoạch công tác chống buôn lậu ma túy và tiền chất (Kế hoạch số 17/KH-TCHQ và Kế hoạch số 72/KH-TCHQ năm 2013) ở địa bàn trọng điểm 06 tỉnh biên giới Việt - Trung và địa bàn sân bay, bưu điện, cảng biển, chuyển phát nhanh thuộc Chi cục Hải quan TP HCM. Song song với 02 kế hoạch thí điểm trên Cục Điều tra chống buôn lậu tổ chức các lớp huấn luyện về công tác kiểm soát ma túy, trong đó 2/3 các lớp huấn luyện dành cho cán bộ, công chức trong dây chuyền thủ tục hải quan ở các Chi cục.
Qua 3 năm thực hiện thí điểm, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Đầu năm 2016, Tổng cục Hải quan tiếp tục ban hành Kế hoạch số 3163/KH-TCHQ triển khai công tác chống buôn lậu ma túy và tiền chất trong phạm vi toàn quốc.
Qua đó, công tác đấu tranh trọng tâm phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép ma túy và tiền chất của ngành Hải quan tập trung chủ yếu vào địa bàn hoạt động của Hải quan. Đồng thời, với các địa bàn ngoài hoạt động Hải quan thì phối hợp với các cơ quan chức năng khác.
Đối tượng và tang vật một vụ bắt giữ ma túy do lực lượng Hải quan chủ trì. |
Theo chương trình hoạt động của Tổng cục Hải quan năm 2016, lực lượng Hải quan gồm lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy và lực lượng các cán bộ, công chức trong dây chuyền thủ tục hải quan tại cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu cảng biển, cảng sông, các cửa khẩu cảng hàng không và bưu điện, chuyển phát nhanh sẽ tập trung rà soát, sàng lọc đối tượng trọng điểm.
Cùng với đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trực thuộc nâng cao kiểm soát các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy lợi dụng các loại hình xuất nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt, đối với từng loại hình xuất nhập khẩu trọng điểm, các khâu nghiệp vụ Hải quan cần rà soát kỹ, cần thiết nâng mức kiểm tra, các đơn vị chống buôn lậu ma túy chuyên trách cần phối hợp với các đơn vị, các Chi cục Hải quan cửa khẩu phối hợp kiểm tra 100% lô hàng, áp dụng biện pháp sử dụng máy soi để kiểm tra, kể cả sử dụng chó nghiệp vụ. Khi phát hiện thấy ma túy, các đơn vị chuyên trách cần phối hợp với các Chi cục Hải quan cửa khẩu để tạm giữ lô hàng, lập phương án điều tra, bắt giữ. Đơn vị nào phát hiện thì đơn vị đó chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng như Công an, Bộ đội Biên phòng và bàn giao cho đơn vị đó điều tra, xử lý.
Có thể thấy, với việc tiếp tục nâng cao nghiệp vụ của lực lượng chuyên trách đồng thời kết hợp với lực lượng cán bộ, công chức trong dây chuyền thủ tục hải quan đã được huấn luyện về nghiệp vụ phòng chống buôn lậu ma túy là hướng đi đúng đắn của Tổng cục Hải quan với những kết quả tích cực.
Theo số liệu thống kê của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) trong 02 năm 2011 – 2012, có tổng số 99 vụ chủ yếu do các lực lượng chức năng Công an, Biên phòng phát hiện, các lực lượng của Hải quan chỉ phối hợp bắt giữ ở ngoài địa bàn kiểm soát hải quan. Năm 2013, với sự chuyển hướng đúng đắn của Tổng cục Hải quan các lực lượng Hải quan đã chủ trì bắt giữ được 38 vụ ma túy trong đó có 24 vụ chủ trì bắt giữ trong địa bàn kiểm soát Hải quan, trong đó cán bộ, công chức Hải quan trong dây chuyền thủ tục ở các chi cục khi làm thủ tục hải quan đã phát hiện bắt giữ được 80% số vụ nêu trên bằng những biện pháp quan sát nghiệp vụ.
Mới đây nhất, tính đến thời điểm hiện tại của năm 2016, lực lượng Hải quan đã chủ trì bắt giữ 65 vụ ma túy, trong đó có 40 vụ lực lượng Hải quan chủ trì bắt giữ trong địa bàn kiểm soát Hải quan. Đặc biệt, thời gian gần đây lực lượng Hải quan đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ buôn lậu ma túy lớn lợi dụng các loại hình xuất nhập khẩu. Điển hình, đầu tháng 6/2016 lực lượng chống buôn lậu ma túy, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp với Cục Hải quan Tây Ninh, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra lô hàng quá cảnh qua cửa khẩu Xa Mát tỉnh Tây Ninh, kết quả phát hiện 15kg ma túy đá. Hay như tại TP HCM, trong “Tháng cao điểm phòng, chống ma túy” từ ngày 01 đến 31/6/2016, Cục Hải quan TP HCM đã phát hiện và bắt giữ 02 vụ vận chuyển trái phép khoảng 1,7kg cocaine qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và 3,5 kg lá cần sa tại Bưu điện; lập biên bản thu giữ 24 vụ nhập khẩu trái phép khoảng 2.865kg lá “Khat” (có chứa thành phần Cathione và Cathin, nằm trong danh mục các chất ma túy bị kiểm soát theo Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ) được đóng thành kiện, vận chuyển qua đường bưu điện và sân bay Tân Sơn Nhất từ các nước Kenya, Ethiopia (châu Phi) về Việt Nam.
Với việc nhận định tình hình phức tạp của công tác phòng, chống vận chuyển ma túy nói chung và phòng, chống buôn lậu ma túy và các tiền chất qua biên giới, có thể nói Tổng cục Hải quan đã có bước chuyển hướng đúng đắn khi mở rộng lực lượng tham gia vào công tác phòng, chống buôn lậu ma túy. Để có được thành tích đó phải nói đến vai trò tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của Cục Điều tra chống buôn lậu.
Nhờ sự chỉ đạo, định hướng đúng đắn của Tổng cục Hải quan, sự quyết liệt trong công tác phòng, chống ma túy trong lực lượng Hải quan, tình hình tội phạm ma túy phần nào được kiểm soát. Đặc biệt, có những vụ việc có tính chất phức tạp, với những phương thức mới, tinh vi nhằm buôn lậu ma túy qua Việt Nam cũng đã bị lực lượng chống buôn lậu ma túy của Hải quan phát hiện, bắt giữ ở các cửa khẩu.