Hài truyền hình: Mua vui có được một vài trống canh?

(PLO) - Có thể nói, chưa bao giờ khán giả truyền hình “bội thực” các chương trình hài như một vài năm trở lại đây. 
Các danh hài trong "Ơn giời, cậu đây rồi"
Các danh hài trong "Ơn giời, cậu đây rồi"
Hàng loạt chương trình hài đua nhau “trình làng” trên Đài Truyền hình Trung ương lẫn địa phương có thể kể tới: “Hội ngộ danh hài”, “Người bí ẩn”,  “Thách thức danh hài”, “Cười là thua” , “Aha”, “Gặp nhau để cười”, “Người đi xuyên tường”, “Tài tiếu tuyệt”, “Vui ơi là vui”, "Siêu thị cười”, "Tiếng cười sinh viên", “Ơn giời cậu đây rồi”, “Chết cười”…
Sự “ra quân” ồ ạt chương trình này không phải ngẫu nhiên. Khi các gameshows, các cuộc thi ca nhạc, thời trang, nhảy múa đang hồi “thất sủng”, các nhà sản xuất đã “chuyển kênh” bằng cách mua bản quyền chương trình hài của nước ngoài nhằm thu hút ratting. 
Sau sự háo hức sẽ được cười “đã đời” như những nhà sản xuất hứa hẹn, khán giả đã “bổ chửng” khi “nuốt” phải chương trình hài phản cảm.  “Ơn giời, cậu đây rồi” phát sóng được vài số đã “lĩnh” vô số “gạch đá” từ khán giả. “Ơn giời…” là những màn tung hứng ú ớ, ngô nghê, nhạt hoét của những nghệ sĩ khi họ “tự biên, tự diễn” vì không biết trước kịch bản. 
Chưa kể khi diễn các tình huống gây cười nhảm nhí, điển hình như một người vợ ngoại tình với người yêu cũ tại nhà và bị người chồng bắt gặp, hay chuyện cô vợ có bầu hơn 8 tháng gọi bánh pizza về ăn, vô tình bị ngất, người giao bánh đang hô hấp nhân tạo thì chồng về; hay chuyện hai người đàn ông đánh nhau và người vợ sinh non tại nhà, bà Ba “gạ” Chí Phèo, cô gái đi xin việc…
Don Nguyễn và Trường Giang chọc cười khán giả trong chương trình "Cười là thua"
Don Nguyễn và Trường Giang chọc cười khán giả trong chương trình "Cười là thua" 
Tình huống nhảm nhí, lời thoại nhạt nhẽo, tục tĩu không kém. Danh hài Việt Hương vào vai bà Ba vợ Bá Kiến “lẳng lơ” nên đã thể hiện bằng những ngôn từ hết sức táo bạo: quất, đè, dạo đầu... Để rồi khách mời Anh Đức phán: “Tướng bà ngon quá, nhìn tròn như miếng dồi chó”. Ngay cả MC Xuân Bắc cũng tuôn ra câu thoại không thể cười nổi: “Xin chia buồn với cái buồng trứng của chị”. Những câu nói kiểu như “ông này chém gió kinh vãi” hay những động tác thân mật quá mức của các diễn viên trên sóng truyền hình khiến người xem nhíu mày, nhăn mặt. 
Trong vai trò người duy nhất là giám khảo chương trình hài tình huống “Ơn giời, cậu đây rồi!”, Hoài Linh cũng bị chê nhàm chán với lời nhận xét nhạt nhòa và những thử thách của Hoài Linh cũng chỉ xoay quanh chuyện… hát!
Ở chương trình “Chết cười”, trong cuộc thi thử thách “Đố ai nhảy được” có thử thách đố ai nhảy được. Với phần này, các khách mời tham gia sẽ vừa nhảy trên một nền nhạc, vừa trả lời các câu hỏi của MC, vừa tạo ra không khí vui nhộn, vừa kích thích khán giả cười. Vậy nhưng, câu hỏi của MC lại khá vô duyên: "Cái gì càng chơi càng ra nước?", hay "Cái gì càng to càng nhỏ?" khiến khán giả hoang mang, không biết chương trình đang chọc cười kiểu gì. 
Không chỉ vậy, chương trình còn gây nhức mắt bởi những phần xếp chữ oái oăm. Để thực hiện hết các yêu cầu mà chương trình đưa ra, các nghệ sỹ thậm chí phải nằm chồng lên nhau đế xếp cho ra chữ, vô hình trung tạo nên nhiều cảnh phản cảm cho khán giả. Nhiều ngôn ngữ ẩn ý được đem ra đối đáp, kiểu như: "Cong quá gãy sao?", "Xóc đi, xóc mà không ra là có chuyện", hay khi MC hỏi các thí sinh vì sao chơi xếp hình mà nằm úp mặt xuống sàn thì nhận được câu trả lời kiểu như: "Anh Chí Trung giơ tay cao thì phải nằm úp xuống, chứ ngửa lên là... ngửi hết".
Cũng giống như "Ơn giời, cậu đây rồi", "Người bí ẩn", "Vui ơi là vui", chương trình "Cười là thua" không có kịch bản mà thí sinh thể hiện khả năng ứng biến trên sân khấu. Các nghệ sĩ sẽ phải trải qua sáu phần thi: Cười lên nào, Những hành động kỳ quặc, Diễn kịch, Lồng tiếng, Phỏng vấn và Đối mặt. Họ có nhiệm vụ duy nhất là chọc cười khán giả, cười càng nhiều càng có điểm cao. 
Trong chương trình này, những màn chọc cười thật vô duyên, khó chấp nhận với kiểu mạt sát: "Bộ em bị đứt sợi dây cười rồi hả?", "Chắc hồi cha mẹ đẻ em ra em cười đã đời rồi, bây giờ bị nín cười luôn rồi!", "Nãy giờ ngồi kế em mà anh không biết em là trai hay gái luôn á!"…
Trong phần thi "Những hành động kỳ quặc", nghệ sĩ chọc cười khán giả bằng cách lộn mí mắt, vò tóc, nhéo mặt… rất thô thiển, cho thấy kỹ năng diễn xuất nghèo nàn. Có thể nói, phản cảm nhất trong chương trình là nghệ sĩ hài Thúy Nga. Khán giả chưa hết bàng hoàng vì cô nhảy lên người một khán giả nam đang nằm để "cưỡi ngựa" thì cô lại trét bánh kem vào môi, mặt của một khán giả nữ rồi… liếm sạch. 
Mặc dù những chương trình hài được nhà sản xuất “mạnh tay” mời mọc những nghệ sĩ hài Nam - Bắc có “tem mác” như: Hoài Linh, Chí Tài, Chí Trung, Kiều Mai Lý, Xuân Bắc, Việt Hương, Trấn Thành, Công Lý, Đức Hải,  Thúy Nga, Thu Trang, Trường Giang, Anh Đức, Thụy Mười, Hiếu Hiền, Bạch Long… nhưng khó có thể “cứu” được chương trình.
“Đường dài mới biết ngựa hay”, đa phần những chương trình này sau vài tập đầu đã có chiều hướng “chết yểu”. Kịch bản hay chiếm tới 60 - 70% sự thành công của show hài. Vậy nhưng hầu hết các kịch bản ấy lại “kém duyên” với nội dung nhàm chán, phô trương cơ thể mà ít có sự phê phán những vấn nạn trong đời sống xã hội với những tiếng cười sâu cay, triết lý, nhân văn. 
Nhà văn Trần Huy Quang, Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: "Tiếng cười cần bộc lộ ở những câu chuyện nhân văn. Tuy nhiên, nếu cười trên cái xấu, cái khiếm khuyết của người ta thì đó thực sự không còn là sự hài hước. Nó càng khiến con người vô cảm trước mọi hiện tượng xã hội, đồng thời con người trở nên yếu ớt và kém cỏi hơn, đây là một tình trạng xấu. 
Điều đáng nói, hầu hết các chương trình hài này đều được phát sóng vào “giờ vàng”, khán giả đủ mọi lứa tuổi! Ảnh hưởng từ việc bắt chước theo diễn viên hài “nhảm” là điều có thể xảy ra, đặc biệt là với những khán giả nhỏ tuổi. Dẫu biết rằng cuộc sống luôn cần những tiếng cười, song cần đầu tư vào chất lượng tiếng cười, không thể cười vội, cười ẩu như hiện nay". 
Khán giả truyền hình yêu tiếng cười nhưng không dễ dãi. Họ cần tiếng cười  duyên dáng, có chiều sâu, trí tuệ. 

Đọc thêm