Hãng tin TASS dẫn lời Đại úy Igor Dygalo – người phát ngôn của Hải quân Nga – cho biết, tàu hộ tống tên lửa mới nhất nói trên đã bước vào các cuộc thử nghiệm hôm 10/6.
“Trong các thử nghiệm ở bến cảng, các chuyên gia sẽ kích hoạt và kiểm tra hoạt động của các hệ thống cơ bản của tàu và bộ phận đẩy chính của nó”, ông Dygalo cho hay.
Theo Người phát ngôn của Hải quân Nga, cùng với các hoạt động khởi động và thiết lập, giới chức Nga cũng sẽ tiến hành việc trang bị và hoàn tất các vấn đề khác liên quan đến con tàu.
“Đơn vị đóng tàu đang lên kế hoạch bàn giao tàu Graivoron cho Hạm đội Biển Đen vào cuối năm 2020 theo khung thời gian quy định trong hợp đồng nhà nước”, người phát ngôn Hải quân Nga nói.
Theo ông này, sau các thử nghiệm trên bến cảng, con tàu sẽ đi đến Novorossiysk để trải qua các thử nghiệm trên biển của nhà máy đóng tàu và sau đó là thử nghiệm cấp nhà nước.
Tàu tên lửa nhỏ Graivoron là tàu thứ 8 được sản xuất hàng loạt theo dự án đóng tàu Buyan-M. Các tàu cùng loại là tàu Vyshny Volochyok, Orekhovo-Zuyevo và Ingushetia đã hoạt động trong Hạm đội Biển Đen.
Các tàu tên lửa nhỏ lớp Buyan-M của dự án 21631 được trang bị các loại pháo, tên lửa, các hệ thống chống phá hoại, phòng không và vũ khí kỹ thuật vô tuyến mới nhất.
Ngoài ra, chúng còn được trang bị hệ thống tên lửa chính xác tiêu chuẩn Kalibr mới nhất được chỉ định để tấn công các mục tiêu hải quân và ven biển.
Theo giới chức Nga, tên lửa hành trình Kalibr có khả năng triệt hạ mục tiêu ở khoảng cách 2.600 km và có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng không cũng như lá chắn tên lửa nào.
Bởi, trong chuyến bay, tên lửa này của Nga liên tục thay đổi chiều cao và phương hướng, khiến đối phương khó lòng phát hiện. Kalibr được đánh giá là có những tính năng vượt trội tên lửa “Tomahawk” của Mỹ.
Các tàu chiến Buyan-M được chỉ định để bảo vệ khu kinh tế nhà nước của Nga.