Hẩm hiu khu công nghiệp ở Phú Thọ

Hàng loạt khu công nghiệp (KCN), cụm công  nghiệp (CCN) được mở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhưng tỷ lệ “lấp đầy” vẫn chưa được như mong muốn. Trong khi đó, người dân thì bức xúc vì phải sống chung với ô nhiễm…

Hàng loạt khu công nghiệp (KCN), cụm công  nghiệp (CCN) được mở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhưng tỷ lệ “lấp đầy” vẫn chưa được như mong muốn. Trong khi đó, người dân thì bức xúc vì phải sống chung với ô nhiễm…

1.	Hai miệng cống từ hồ chứa nước thải của KCN Thuỵ Vân xả thứ nước đặc quánh xuống cánh đồng của người dân.
Hai miệng cống từ hồ chứa nước thải của KCN Thuỵ Vân xả nước đặc quánh xuống cánh đồng của người dân.

Chỉ hai doanh nghiệp hoạt động...

Thống kê của tỉnh Phú Thọ cho thấy, địa phương này hiện có đã hình  thành  và quy hoạch 7 KCN, 22 CCN với tổng diện tích gần 4.000 ha. Trong đó, 7 KCN được Chính phủ phê duyệt vào danh mục các KCN tập trung đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 có tổng diện tích trên 2100ha gồm Thụy Vân, Trung Hà, Phù Ninh, Phú Hà, Tam Nông, Cẩm Khê và Hạ Hòa. Các KCN Thụy Vân, Trung Hà,  CCN  Bạch  Hạc và Đồng Lạng đã được đầu tư kết cấu hạ tầng và đưa vào hoạt động.

Khảo sát của Pháp Luật Việt Nam ngày 23/5 tại KCN Thụy Vân cho thấy, ngay từ Đại lộ Hùng Vương đi vào, phần đầu KCN đã có nhiều nhà máy hoạt động, với hạ tầng được hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đi sâu vào phía trong, nhiều đoạn đường nằm trong khu này vẫn còn là đường đất. Bà Hoàng Thị May, một người dân cho hay, gọi là KCN nhưng đường sá chẳng khác gì “đường làng”. “Cứ đến nhà máy bia, đối diện phía cổng công đoàn thì biết đường “đẹp” thế nào”, bà May nói.

Theo chỉ dẫn của người dân, phóng viên tìm đến vị trí của trụ sở của Công đoàn các KCN Phú Thọ. Ngay đối diện của đơn vị này là nhà máy bia rượu Hùng Vương. Ngay từ đường vào, để khách hàng dễ “nhận diện” vị trí hoạt động của nhà máy, công ty này đã đóng biển báo bằng gỗ “treo” trên cột điện chỉ dẫn lối vào công ty. Chỉ một đoạn đường gần cây số, nhưng ở đây liên tiếp là “ổ gà”, “ổ voi”, đường hoàn toàn bằng đất mà chưa được bê tông hoá.

Người đàn ông tên Tuấn ở xã Thuỵ Vân cho hay, gọi là KCN nhưng hiện nay nhiều diện tích đất vẫn chưa được lấp đầy, gây lãng phí lớn. Thậm chí, có cả doanh nghiệp đến “xí phần” đất rồi sau đóng cửa không hoạt động.

Với diện tích 306, sau 5 năm đi vào hoạt động, đến nay KCN Thụy Vân  đã thu hút được 61 dự án đầu tư, trong đó có 51 dự án đang hoạt động; 3 dự án đang dừng hoạt động và 7 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng và lắp đặt thiết bị.

Đại diện một doanh nghiệp ở đây cho hay, do hạ tầng các KCN, CCN chưa đồng bộ nên khó có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu tác động đến kinh tế trong nước, việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị thu hẹp, đầu ra sản phẩm giảm sút, phía đối tác cắt giảm số lượng các đơn hàng cũng khiến doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí là rất khó khăn.

Tại KCN Trung Hà, mặc dù thu hút được 13 dự án đầu tư trong nước song hiện nay mới có 2 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, KCN Bạch Hạc thu hút được 5 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 2.700 tỷ đồng và mới có 2 doanh nghiệp hoạt động.

Người dân khiêng đá lấp cống vì ô nhiễm môi trường

Kêu gọi đầu tư vào các KCN, dù chưa “lấp đầy” các dự án nhưng hậu qủa của những năm tháng mà các doanh nghiệp ở đây sản xuất cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Ngay trong buổi sáng 21/5, hàng chục hộ dân ở xã Thuỵ Vân đã mang bao tải để chứa cát sỏi, kéo đến lấp miệng cống từ hồ nước xả thải của KCN Thuỵ Vân.

Có mặt tại hồ xả thải, ghi nhận của phóng viên cho thấy cả mặt hồ gợn lên màu đen óng, mùi hôi thối nồng nặc. Đặc biệt, phía hai miệng cống xả xuống khu dân cư thì không ai có thể đứng lâu ở đây được, bởi mùi hôi thối có cảm giác gần như đặc quánh, khó thở.

Cụ Đinh Chu Thuyết, người ở thôn Vĩnh Phú, xã Thụy Vân cho hay, mấy năm nay cả làng phải sống với ô nhiễm. Nước giếng khoan không thể ăn được, cả cánh đồng ngay dưới miệng cống xả thải phải bỏ hoang. “Thậm chí, bò ăn cỏ nơi nguồn nước ô nhiễm cũng về đẻ non”, một người dân ở Vĩnh Phú, xác nhận.

Ngay trong những ngày đầu tháng năm, người dân ở Thuỵ Vân cũng đã chứng kiến gần một chục tấn cá nuôi của một hộ gia đình ở đây “bỗng dưng” phơi bụng mà chết. Họ nói rằng nguyên nhân dẫn đến việc này là do nguồn nước xả thải từ KCN Thuỵ Vân đổ xuống.

Trả lời báo chí, Chủ tịch UBND xã Thụy Vân, ông Vũ Văn Cầm cho hay, hệ thống xử lý nước thải tại KCN Thụy Vân chưa hoàn thiện, các nhà máy, xí nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động và xả thải tự do ra môi trường, trong đó có 7 nhà máy có khối lượng xả thải lớn với lượng nước thải khoảng 1.000 m3/ngày. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay…

Việt Hưng

Đọc thêm