Hạn chế chuyển đổi diện tích đất ‘bờ xôi ruộng mật”, đất hai vụ lúa

(PLVN) - Theo Chủ tịch Quốc hội, việc chuyển đổi diện tích đất “bờ xôi ruộng mật”, đất hai vụ lúa thì phải hết sức hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng, phải kiểm soát rất nghiêm ngặt. Các nước phát triển cũng rất quan tâm đến việc giữ loại đất này.
Phiên thảo luận tổ chiều 29/10.
Phiên thảo luận tổ chiều 29/10.

Thảo luận tại phiên họp tổ của Quốc hội chiều 29/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 – 2025 (Quy hoạch). Chủ tịch Quốc hội đánh giá, đây là bản Quy hoạch đạt chất lượng tốt, được xây dựng bằng các phương pháp mới, hiện đại, được giới chuyên gia đánh giá cao.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội về việc Chính phủ cần báo cáo thêm, giải trình rõ hơn các nội dung đã được báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đặt ra. Đơn cử như tình trạng quy hoạch giai đoạn vừa qua được xây dựng rất chậm, đến năm 2019 vẫn có tới 5 tỉnh phê duyệt được quy hoạch đất đai trong khi quy hoạch đất đai phải đi trước một bước, làm cơ sở cho các quy hoạch phát triển khác.

Hay cơ sở dữ liệu về đất đai, vừa là tồn tại hiện nay vừa là giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn tới. Phải xây dựng được cơ sở dữ liệu về đất đai giống như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay, do đó, phải tập trung cả về nguồn lực và công nghệ để hoàn thành việc điều tra, đo vẽ, lập hồ sơ địa chính và cập nhật vào cơ sở dữ liệu đất đai.

Liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là vấn đề lớn, chủ trương của Nhà nước là giữ ổn định ở mức 3,5 triệu ha. Bản Quy hoạch đề ra chỉ tiêu 3,568 triệu ha, cao hơn 68 nghìn ha so với mục tiêu và nguyên tắc đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ.

Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất vừa có nguyên tắc phải chuyển đổi trở lại diện tích đất trồng lúa nhưng đồng thời cũng vừa phải linh hoạt, dựa vào điều kiện, đặc điểm của từng vùng, địa chất từng nơi. Nổi bật, việc chuyển đổi diện tích đất “bờ xôi ruộng mật”, đất hai vụ lúa thì phải hết sức hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng, phải kiểm soát rất nghiêm ngặt. Các nước phát triển cũng rất quan tâm đến việc giữ loại đất này.

Về đất khu công nghiệp, Quy hoạch đề xuất gia tăng khá lớn so với quy hoạch trong giai đoạn vừa qua, khoảng 120 nghìn ha. Trong khi đó, quy hoạch hiện hành mới chỉ thực hiện được 47%. Dư địa dành cho đất công nghiệp thời gian tới, là cần thiết nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, cũng phải rà soát rất kỹ lưỡng, tránh tình trạng hợp thức hóa việc điều chỉnh quy hoạch. Chính phủ cần có báo cáo bổ sung về nội dung này.

Về giải pháp thể chế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng lần này phải nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu, tổng kết, sửa đổi toàn diện Luật Đất đai và tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai giống như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay. Ngành tài nguyên phải số hóa mạnh mẽ hơn nữa. Thể chế pháp luật về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là hai vấn đề quan trọng nhất. Nghị quyết của Quốc hội cũng cần nêu các vấn đề này.

Về tái cơ cấu nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nếu năm 2020 không bị tác động bởi đại dịch COVID-19 thì các chỉ tiêu, mục tiêu của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2016 – 2020 đều đạt mục tiêu đề ra. Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 nặng nề hơn nhiều vì phải gắn với kế hoạch tổng thể về phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trong bất kỳ trường hợp nào chúng ta cũng phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô, sử dụng gói chính sách tài khóa và tiền tệ đủ mạnh với quy mô đủ lớn và thời gian thích hợp để tập trung cho phục hồi, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay của nền kinh tế, nhất là áp lực về nợ xấu gia tăng do tác động của đại dịch COVID-19. Cùng với đó, phải tận dụng mạnh mẽ các cơ hội của cách mạng công nghệ 4.0, tập trung cho số hóa, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ…

Đọc thêm