Hạn chế học sinh, sinh viên vi phạm an toàn giao thông: Đẩy mạnh hơn nữa giáo dục pháp luật trong nhà trường

(PLVN) - Tại Việt Nam, tình hình vi phạm an toàn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên có nhiều diễn biến phức tạp, điển hình là các vi phạm như: phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm...
Cần tăng cường vai trò quản lý, giáo dục ATGT trong nhà trường. (Ảnh minh họa: - Nguồn: nghean.gov.vn)

Nhiều trẻ em thương vong do tai nạn giao thông

Tháng trước, trên quốc lộ 55 và 20 (Lâm Đồng) đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 2 người tử vong, đáng chú ý cả 2 vụ đều liên quan đến học sinh điều khiển xe máy. Cụ thể, trên quốc lộ 55 đoạn qua xã Lộc Thành xảy ra vụ TNGT giữa 2 xe máy khi lưu thông cùng chiều khiến 1 học sinh tử vong tại chỗ và 1 học sinh khác bị thương phải nhập viện cấp cứu. Được biết, cả 2 em đều đang học tại một trường THPT trên địa bàn huyện Bảo Lâm.

Điểm a Khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới. Cụ thể: Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên.Như vậy, đối với học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính nhẹ nhất là cảnh cáo. Từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, có thể bị phạt tiền lên đến 600.000 đồng với hành vi này.Đối với người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên.

Tương tự, trên quốc lộ 20, xảy ra vụ TNGT giữa 2 xe máy khiến 1 người đàn ông tử vong tại chỗ. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, người đàn ông va chạm với xe máy do em học sinh 17 tuổi (học sinh tại TP Bảo Lộc) điều khiển theo chiều ngược lại đang qua đường. Sau tai nạn, em học sinh bị thương được người dân đưa đến Bệnh viện II Lâm Đồng cấp cứu.

Trên đây là 2 trong số rất nhiều vụ TNGT có liên quan đến học sinh, đặc biệt là học sinh THPT. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong năm 2023, tỷ lệ trẻ em thương vong là 7,8% tổng số nạn nhân TNGT, tức là khoảng 2.100 trẻ em thương vong, trong đó có hơn 900 trẻ em vĩnh viễn ra đi. Đáng chú ý, có gần 1.500 trẻ em là học sinh cấp THPT. Các tình huống dẫn đến TNGT chủ yếu do đi trái phần đường, làn đường; chuyển hướng không an toàn; lái xe quá tốc độ được phép...

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp, điển hình là các vi phạm như phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ,... trong đó nhóm đối tượng vi phạm an toàn giao thông (ATGT) rất nhiều trong thời gian vừa qua là học sinh THPT.

Tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông

Tại Lễ phát động hưởng ứng “Năm An toàn giao thông 2024” và ra quân tuyên truyền về hoạt động phòng cháy, chữa cháy trong thanh niên năm 2024, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho biết TNGT luôn là vấn đề mang tính toàn cầu; đồng thời chỉ ra tình hình TNGT ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra còn lớn.

Trước những con số thương tâm, ông Lê Kim Thành cho rằng: “Những hậu quả của TNGT vẫn là sự mất mát không gì bù đắp được đối với nhiều cá nhân, gia đình và cả cộng đồng”. Do đó, ông đề nghị đoàn viên, thanh niên cùng thực hiện và vận động người xung quanh đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, đã uống rượu, bia - không lái xe, không dàn hàng ngang, phóng nhanh, vượt ẩu, không lạng lách, đánh võng, không sử dụng điện thoại khi đang lái xe.

Còn với đối tượng học sinh, theo ông Khuất Việt Hùng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, trong công tác phối hợp với Bộ GD&ĐT, Ủy ban ATGT Quốc gia có tổ chức thí điểm khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quy định pháp luật, về kỹ năng lái xe cho học sinh phổ thông và tổ chức sát hạch như việc cấp giấy phép lái xe để các em thử thực hiện, thực hành các kỹ năng trước khi đủ tuổi cấp giấy phép thật.

Để đối tượng học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, kỹ năng lái xe an toàn khi tham gia giao thông, ông Khuất Việt Hùng đề nghị, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, cần định hướng, trang bị cho các công dân về đạo đức tham gia giao thông, tư tưởng thượng tôn và tuân thủ pháp luật. Đây là hoạt động hàng ngày, hàng giờ, cần được rèn luyện, nhận thức để hình thành thói quen, hành vi đúng quy định của pháp luật.

Theo dự thảo Thông tư về giáo dục ATGT trong trường học mà Bộ GD&ĐT đưa ra để xin ý kiến tại Hội thảo, ngoài tuyên truyền, giáo dục pháp luật, cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về an toàn và văn hóa giao thông, các nhà trường sẽ dạy nội dung thực hành kỹ năng lái xe bằng thiết bị thực tế hoặc mô phỏng. Học sinh phổ thông được học các nội dung này ít nhất 2 buổi/năm. Các trường có thể lồng ghép, tích hợp vào các môn học chính khóa, các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, câu lạc bộ...

Tuy nhiên, để làm được điều này, nhà trường cần có sự phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực này để thực hiện truyền thông sâu rộng đến học sinh và phụ huynh. Ngoài ra, cần tổ chức truyền thông, tuyên truyền giáo dục ATGT thông qua các hình thức ngoại khóa, tổ chức hoạt động trải nghiệm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Đồng thời, cần thiết phải ban hành các chế tài xử lý phù hợp và tuân thủ quy định của pháp luật và nhất là cần tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội.

Năm 2024 tiếp tục được Chính phủ chọn là Năm An toàn giao thông, với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, gồm 3 mục tiêu: nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; kiềm chế và giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Đọc thêm