Để có góc nhìn nhiều chiều về vấn đề trên, PLVN đã có cuộc phỏng vấn luật sư (LS) Phạm Thanh Tuấn - Giám đốc công Luật TNHH Viêt In.
- Thưa luật sư, tại Dự thảo quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị, đã hạn chế đối tượng sử dụng các thiết bị này. Theo Luật sư, quy định như vậy có hợp lý?
LS Phạm Thanh Tuấn: Hiện nay dự thảo lần 2 Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị, đang được lấy ý kiến nhân dân. Đây là điểm mới, tiến bộ mang tính dân chủ, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Tuy nhiên, theo tôi, Dự thảo Nghị định trên có nhiều điểm không phù hợp;
Cụ thể, tại Điều 4 khoản 3 của Dự thảo Nghị định có quy định: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
Quy định trên giới hạn chủ thể được phép sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị của một số Cơ quan chuyên trách về an ninh quốc gia. Đồng nghĩa sẽ giới hạn quyền sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị của cá nhân.
Trong khi đó Điều 2 của Dự thảo Nghị định lại ghi rõ: Chỉ áp dụng với tổ chức, cá nhân “liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh và thành lập, cấp phép, đăng ký, quản lý hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị”.
Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Điều 4 khoản 3 của Dự thảo Nghị định quy định về việc hạn chế cá nhân sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định.
Chứng từ điện tử là chứng cứ được sử dụng trong giải quyết vụ án
- Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định, chứng từ điện tử, được công nhận là nguồn chứng cứ trong giải quyết vụ án. Tuy nhiên, với Dự thảo này, đồng nghĩa với việc không công nhận chứng từ điện tử, thưa luật sư?
LS Phạm Thanh Tuấn: Trên thực tế, những người hành nghề báo chí, luật sư đều được sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình cho hoạt động của mình. Tại Điều 95, Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về chứng cứ điện tử và việc giao nộp, xác minh chứng cứ điện tử.
Các chứng cứ điện tử này, chỉ có thể được thu thập khi sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình. Như vậy, chứng từ điện tử là một trong nguồn chứng cứ đã được công nhận trong Bộ luật tố tụng năm 2015.
Mặt khác, Điều 234- Luật Tố tụng Dân sự quy định; nhà báo khi tham dự phiên tòa dân sự được ghi âm lời nói, ghi hình ảnh Hội đồng xét xử, đương sự với sự đồng ý của họ.
Như vậy, với quy định về việc hạn chế sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị không chỉ hạn chế quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân mà còn bác bỏ chứng từ điệ tử.
Quy định tại Dự thảo trên trái với quy định của pháp luật về tố tụng và pháp luật về báo chí.
- Nhiều ý kiến cho rằng, pháp luật cần phải chặt chẽ, chỉ được hiểu một nghĩa, không được ngầm hiểu. Theo quan điểm của LS, những đối tượng nào cần phải hạn chế?
LS Phạm Thanh Tuấn: Tôi đồng tình quan điểm luật pháp phải đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ, dễ hiểu. Như tôi đã phân tích ở trên và chỉ ra những lỗi không phù hợp ngay trong Dự thảo.
Do đó, theo quan điểm của tôi, chỉ nên giới hạn phạm vi ở điều kiện kinh doanh các sản phẩm ghi âm, ghi hình, đinh vị ngụy trang.
Bởi lẽ, nếu không rõ ràng, không quản lý tốt việc kinh doanh các sản phẩm nói trên, sẽ dẫn đến việc các đối tượng lợi dụng tính năng của các thiết bị, sử dụng vào mục đích khác; Như theo dõi đời tư, và những hành vi vô văn hóa khác…
- Trân trọng cảm ơn LS!