Hạn chế sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị: Có cản trở quyền tự do của người dân?

(PLO) - Bộ Công an đang xây dựng Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị (TBPMGAGH), trong đó quy định việc sử dụng TBPMGAGH chỉ hạn chế đối với một số đối tượng nhất định (khoản 3 Điều 4) đã gây tranh cãi trong dư luận...
Ảnh minh họa

24 cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ thiết bị theo dõi bất hợp pháp

Qua công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, thời gian qua, Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ, việc đối tượng sử dụng TBPMGAGH. Điển hình là vụ Cty Việt Hồng công khai quảng cáo sản phẩm phần mềm Ptracker và đã thực hiện giám sát hơn 14.000 tài khoản điện thoại di động, cho phép đối tượng thuê dịch vụ phần mềm Ptracker để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật… 

Đối với dự thảo Nghị định của Bộ Công an quy định nhà báo, người dân không được dùng thiết bị nguỵ trang GAGH, hôm qua (12/4), tại Hội nghị giao ban công tác thông tin tuyên truyền giữa Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam và lãnh đạo các đoàn thể chính trị xã hội, ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đã đề nghị các ban chuyên môn của Mặt trận “rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật và quy định quốc tế, trên cơ sở đó Mặt trận sẽ có kiến nghị với Chính phủ”.

Ngoài ra, Bộ Công an đã xác định có ít nhất 24 cá nhân, tổ chức có hành vi công khai quảng cáo, buôn bán thiết bị và cung cấp các dịch vụ tương tự. Bộ Công an nhận định, những người sử dụng các TBPMGAGH được ngụy trang dưới vỏ bọc đồ vật bình thường hoặc phần mềm theo dõi được cài đặt trái phép trên các thiết bị điện tử, máy tính xâm phạm quyền bí mật riêng tư của cá nhân, hoạt động của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong xã hội.

Theo Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung năm 2016), hoạt động kinh doanh TBPMGAGH là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Bộ Công an là đơn vị được phân công xây dựng dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh lĩnh vực này. Bộ Công an khẳng định, Nghị định được xây dựng trên quan điểm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung năm 2016. 

Đồng thời, các nội dung phải cụ thể, chi tiết, rõ ràng, dễ thực hiện, tạo điều kiện thông thoáng cho cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh, bảo đảm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, nghị định quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan quản lý và trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Nhầm lẫn “kinh doanh” và “sử dụng”?

Thiết bị ngụy trang dùng để GAGH là thiết bị GAGH giấu trong đồ vật thông thường hoặc thiết bị GAGH được giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường. Thiết bị ngụy trang dùng để định vị là thiết bị có tính năng xác định vị trí, mục tiêu được giấu trong thiết bị, đồ vật thông thường hoặc giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường.

TBPMGAGH là bất kỳ chương trình máy tính nào được tạo ra, giả dạng các phần mềm hệ thống, ứng dụng, tiện ích, công cụ khác hoặc được lập trình, viết thêm các mã lệnh vào các phần mềm hệ thống, ứng dụng, tiện ích hoặc phần mềm công cụ khác để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm, xác định vị trí của mục tiêu.

Tại khoản 3 Điều 4 (nguyên tắc hoạt động và quản lý), dự thảo Nghị định đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến rộng rãi quy định: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để GAGH, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.

Quy định này của dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến trong dư luận và giới chuyên gia, bởi nếu như điều kiện kinh doanh thiết bị này được xác định khá cơ bản trong dự thảo Nghị định, thì việc đưa một giới hạn về đối tượng sử dụng thiết bị vào văn bản này dường như vừa “lạc đề”, vừa sơ sài, không phản ánh hết thực tiễn, đồng thời gây nên dư luận về tính “võ đoán” của cơ quan quản lý trong việc soạn thảo văn bản.

* LS Trương Anh Tú (Đoàn LS TP Hà Nội):
“Hạn chế đối tượng sử dụng là không hợp lý, không cần thiết”

Thiết bị GAGH không có ảnh hưởng xấu đến trật tự, an ninh xã hội mà còn có rất nhiều mặt tích cực như người dân ghi lại các hành vi vi phạm pháp luật để cung cấp cho các cơ quan chức năng xem xét xử lý, hay nhà báo cần dùng để thu thập bằng chứng phục vụ việc điều tra… Nếu cấm sử dụng thiết bị GAGH thì có thể gây khó khăn cho hoạt động phòng chống tiêu cực, tội phạm.  Còn những đối tượng sử dụng thiết bị GAGH có hành vi xấu nhằm bôi nhọ danh dự của người khác thì đã có chế tài xử lý riêng. Do vậy, việc đưa ra những quy định trong dự thảo Nghị định để điều chỉnh cả đối tượng sử dụng các thiết bị này là không hợp lý, không cần thiết.

* LS Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Cty Luật Newvision Law):

“Vô hình trung hạn chế quyền tự do của người dân”

 Phạm vi điều chỉnh của Nghị định là quy định về “điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để GAGH, định vị” nhưng khoản 3 Điều 4 dự thảo Nghị định đã vô hình trung hạn chế quyền tự do của người dân trong việc sử dụng các thiết bị nói trên. Ngoài những mục đích sử dụng tiêu cực như dự thảo Nghị định nêu ra, trong cuộc sống hàng ngày các cá nhân thường xuyên sử dụng các thiết bị GAGH, định vị trong điện thoại để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, học tập hoặc những mục đích tốt đẹp khác. Có chăng pháp luật chỉ nên quy định chế tài cho những hành vi cá nhân sử dụng thiết bị GAGH, định vị vào mục đích không lành mạnh, trái pháp luật như sử dụng vào mục đích xấu, làm ảnh hưởng cá nhân khác hoặc xâm hại đến an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

* LS Đỗ Trung Kiên (Trưởng Văn phòng LS Đỗ Trung Kiên và cộng sự):

“Cách diễn giải trong dự thảo thiếu chi tiết, mơ hồ”

Chứng cứ của vụ án chỉ được công nhận khi đảm bảo tính “hợp pháp”. Với nội dung dự thảo Nghị định này, các bằng chứng được thu thập qua các thiết bị GAGH ngụy trang sẽ không còn được Tòa án xem xét công nhận là chứng cứ vì không đảm bảo tính hợp pháp, do vậy không được sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ án ngay cả khi đây được coi là chứng cứ quan trọng và duy nhất.

Như vậy, quy định: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để GAGH, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia…” trong dự thảo Nghị định là trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến tính chủ động trong việc thực hiện quyền tố cáo của người dân. 

Tôi cho rằng quy định thiếu chi tiết, mơ hồ như vậy đã làm nảy sinh nhiều cách hiểu và là nguyên nhân gây ra tranh cãi. Để giải quyết vấn đề này, Nghị định cần ghi nhận các trường hợp được sử dụng thiết bị ngụy trang GAGH để tố giác hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo quyền giám sát của công dân, cơ quan báo chí, các tổ chức xã hội đã được ghi nhận trong Hiến pháp.

* LS Ngô Ngọc Trai:

“Dự thảo Nghị định trái với Bộ luật Tố tụng Hình sự, Dân sự”

Dự thảo Nghị định xác định điều chỉnh về vấn đề “kinh doanh” nhưng với việc đề xuất quy định tại khoản 3 Điều 4 không cho phép người dân và doanh nghiệp được sử dụng các thiết bị để GAGH này thì dự thảo đã điều chỉnh cả vấn đề sử dụng TBPMGAGH là ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân, lạm quyền và trái pháp luật.

Theo BLTTDS năm 2015, tổ chức, cá nhân có quyền thu thập các dữ liệu điện tử làm chứng cứ để giải quyết các vụ án dân sự, hình sự nghĩa là việc người dân sử dụng các thiết bị GAGH là hợp pháp, nhất là để phòng vệ trước những thói lạm quyền tiêu cực của đủ mọi thành phần phổ biến trong xã hội hiện nay. Ngoài ra cũng là để người dân thực hiện việc giám sát cán bộ công chức nhà nước, ngăn chặn các biểu hiện quan liêu hách dịch, cửa quyền.

Đọc thêm