Nhiều kết luận thanh tra còn nể nang
Báo cáo tổng kết 6 năm triển khai Luật Thanh tra cho biết, công tác lãnh đạo tổ chức thi hành Luật luôn được Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Tổ chức, hoạt động thanh tra luôn bám sát thực tiễn đất nước, yêu cầu của quản lý nhà nước và quán triệt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân. Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành luôn được bảo đảm triển khai và tuân thủ trên thực tế. Các chính sách, pháp luật về thanh tra đã thực sự đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả tốt trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh, công tác thanh tra trên phạm vi toàn quốc đã phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và kiến nghị khắc phục; đã tích cực, chủ động trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, ông Thanh thẳng thắn, sau 6 năm thi hành Luật Thanh tra vẫn còn không ít bất cập, vướng mắc, hạn chế. Cụ thể là, phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, từ Thanh tra Chính phủ tới thanh tra bộ, ngành, địa phương chưa thực sự hiệu quả và đổi mới. Nhiều nơi chưa chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện kế hoạch cho từng cuộc thanh tra; chưa xác định rõ thời gian, cách thức, nội dung, đề cương, biện pháp thực hiện và phân công trách nhiệm, công việc cụ thể, phù hợp cho từng thành viên đoàn thanh tra…
Đáng chú ý, ông Thanh và nhiều ý kiến khác còn đánh giá về sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, nhất là giữa cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ với cơ quan thanh tra địa phương; giữa thanh tra các bộ, ngành; chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa thanh tra bộ với thanh tra tỉnh, thanh tra sở, ngành. Đặc biệt, phổ biến là sự chồng chéo trong hoạt động giữa các cơ quan Thanh tra và Kiểm toán Nhà nước. Ngoài ra, nhiều kết luận thanh tra có hiện tượng thiếu khách quan, nể nang trong việc kiến nghị xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm. Nhiều kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra chưa được thực hiện nghiêm, nhất là trong việc xử lý người có hành vi vi phạm, khắc phục yếu kém trong quản lý, thu hồi tiền sai phạm nộp ngân sách...
Sớm sửa đổi để nâng cao chất lượng thanh tra
Để khắc phục những vướng mắc nêu trên, các ý kiến đều đề nghị Thanh tra Chính phủ tổng hợp thực tiễn thi hành Luật năm 2010, trình Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra cho phù hợp với tình hình hiện nay nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra. Bàn về các nội dung cụ thể, đại diện Thanh tra Bộ Công Thương đề xuất xử lý chồng chéo giữa hoạt động của cơ quan thanh tra và hoạt động của cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Vị đại diện này còn kiến nghị xây dựng Luật Thanh tra, kiểm tra vì hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc kiểm tra của cơ quan nhà nước, dẫn đến tình trạng một doanh nghiệp là đối tượng của nhiều cơ quan khác nhau.
Đại diện Thanh tra TP Hà Nội chỉ ra thực tế một số trường hợp đối tượng thanh tra khi nhận được thông báo về việc công bố quyết định thanh tra chuyên ngành đã tìm cách đối phó nên hạn chế hiệu quả thanh tra, không đáp ứng yêu cầu về việc kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, nhất là trong một số lĩnh vực môi trường, y tế, vệ sinh an toàn, thực phẩm.
Từ đó, cần nghiên cứu hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục hoạt động thanh tra chuyên ngành tại Luật năm 2010 và các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tính chặt chẽ và minh bạch khi thanh tra. Nói về giải pháp khắc phục tính chồng chéo, Hà Nội cho rằng nên tăng cường phối hợp các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát bởi làm tốt công tác phối hợp còn giúp kịp thời xử lý, theo dõi kết quả các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mà cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.
Thượng tướng Lê Chiêm – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trăn trở, nhiều vụ để “vỡ” ra rồi mới thụ lý nên rất phức tạp, do vậy cần phát huy vai trò chủ động tham mưu theo định kỳ, thường xuyên, đột xuất của cơ quan thanh tra. Nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, ông Chiêm cũng kiến nghị quy định rõ thẩm quyền của thanh tra các cấp trong hệ thống thanh tra quốc phòng sao cho thực sự khoa học, không chồng chéo.