Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Hiểu một cách đơn giản, nếu TCTD lâm vào tình trạng phá sản, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) sẽ thay mặt Chính phủ đứng ra chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền trong giới hạn theo quy định.
Hạn mức trả tiền bảo hiểm – Từ Luật BHTG…
Tại khoản 2, Điều 24 Luật BHTG quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong từng thời kỳ, để đảm bảo điều chỉnh linh hoạt hạn mức phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, mức sống của người dân.
Theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa 125 triệu đồng.
Đối với phần tiền gửi (bao gồm cả gốc và lãi) vượt hạn mức này, theo quy định, người gửi tiền được nhận trong quá trình xử lý tài sản của TCTD.
|
Hiện hạn mức BHTG là 125 triệu đồng |
Số tiền 125 triệu đồng được các cơ quan chức năng cân nhắc và đánh giá là phù hợp với các yếu tố quan trọng khi điều chỉnh hạn mức BHTG cho mỗi quốc gia tại Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả (2014) và hướng dẫn của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI). Cụ thể:
Thứ nhất, về tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ/tổng số người gửi tiền được bảo hiểm.
Với hạn mức 125 triệu đồng, BHTGVN đảm bảo bảo vệ toàn bộ đối với tiền gửi của trên 92% người gửi tiền trong hệ thống ngân hàng, nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI là từ 90% - 95% người gửi tiền, đáp ứng thông lệ quốc tế.
Cũng theo IADI, hạn mức và phạm vi BHTG cần được đánh giá lại một cách định kỳ (ít nhất 5 năm một lần) để đảm bảo có thể đáp ứng các mục tiêu chính sách công của hệ thống BHTG. Ngoài ra, hạn mức trả tiền bảo hiểm cần được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô như: lạm phát, thu nhập của người dân, năng lực tài chính của tổ chức BHTG, tình hình hệ thống tài chính - ngân hàng, rủi ro hệ thống...
Thứ hai, đảm bảo tính phù hợp của hạn mức với năng lực tài chính của tổ chức BHTG
Tổ chức BHTG dự phòng nguồn quỹ để đảm bảo chi trả kịp thời và chính xác cho người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ tổ chức tín dụng. Trong trường hợp nguồn quỹ không đủ, cần có cơ chế tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ đặc biệt để bảo vệ kịp thời quyền lợi của người gửi tiền, tránh tình trạng rút tiền hàng loạt.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, năng lực tài chính của BHTGVN cũng gia tăng đáng kể. Từ nguồn vốn được cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng, đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của BHTGVN đã đạt hơn 117 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Quỹ dự phòng nghiệp vụ (thể hiện khả năng chi trả của BHTGVN theo quy định của Luật BHTG) đạt hơn 111 nghìn tỷ đồng.Đây là nền tảng quan trọng giúp BHTGVN có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế; cũng như tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.
Ngoài ra, Luật BHTG quy định BHTGVN được tiếp nhận thêm các nguồn vốn hỗ trợ khác, gồm: (i) Tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ Ngân sách Nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc vay của TCTD, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ trong trường hợp nguồn vốn của BHTGVN tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm; (ii) Tiếp nhận các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để tăng cường năng lực hoạt động. Đây là quy định quan trọng, trong trường hợp nguồn vốn tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, BHTGVN có thể huy động thêm nguồn vốn khác đáp ứng yêu cầu chi trả.
Thứ ba, tổ chức BHTG cần được tiếp cận với thông tin cụ thể và chính xác về số lượng người gửi tiền, tài khoản và giá trị tiền gửi tương ứng với từng hạn mức
Từ năm 2017 đến nay, thông tin về tiền gửi được bảo hiểm của tổ chức tham gia BHTG được thực hiện theo Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm của BHTGVN. Tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm cung cấp, gửi trực tiếp các thông tin chi tiết về tiền gửi được bảo hiểm cho BHTGVN theo quy định.
Đây được coi là kênh thông tin giúp ngăn ngừa và hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động huy động tiền gửi của tổ chức tham gia BHTG. Đồng thời, những thông tin này là cơ sở để BHTGVN xác định tỷ lệ tổng giá trị tiền gửi dự kiến chi trả từ các hạn mức BHTG giả định so với tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm; đánh giá tính phù hợp của hạn mức BHTG hiện tại nhằm phát huy vai trò của chính sách BHTG; chuẩn bị nguồn lực tài chính, sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
|
Trong quá trình xử lý TCTD bị phá sản, NHNN trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại TCTD. |
… đến Luật Các TCTD năm 2024
Theo quy định của Luật Các TCTD năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), trong quá trình xử lý TCTD bị phá sản, NHNN trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại TCTD.
Như vậy, với quy định tại Luật Các TCTD năm 2024 thì bên cạnh hạn mức trả tiền bảo hiểm 125 triệu đồng thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong từng trường hợp cụ thể, NHNN có thể trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chi trả toàn bộ cho người gửi tiền. Điều này khẳng định cam kết khi gửi tiền vào tổ chức tham gia BHTG, người gửi tiền hoàn toàn yên tâm vì quyền và lợi ích của mình luôn được bảo đảm.
Trong thời gian tới, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG về hạn mức trả tiền bảo hiểm cũng như quy định để nâng cao khả năng tài chính của BHTGVN, đáp ứng được yêu cầu chi trả; từ đó việc triển khai Luật Các TCTD năm 2024 được phù hợp, hiệu quả, kịp thời bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, phù hợp với năng lực tài chính của BHTGVN và thông lệ quốc tế.