Cơ hội thứ hai để theo đuổi ước mơ
Hwang In Kyeong, 21 tuổi, vẫn thức dậy mỗi sáng, nghĩ rằng mình phải đi làm. Hwang hiện là sinh viên năm nhất chuyên ngành Viết Sáng tạo ở một trường Đại học chuyên về nghệ thuật tại thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi. Cô chia sẻ cuộc sống của mình hiện tại thật khó tin, và chắc chắn tốt hơn rất nhiều so với trước đây.
Trước đây, Hwang bắt đầu đi làm ngay sau khi tốt nghiệp một trường trung cấp nghề với tấm bằng Quản trị và Kế toán. Công việc đầu tiên của cô là nhân viên kiểm toán tại một công ty. Sau đó, cô chuyển sang quản lý cửa hàng và sản phẩm cho một công ty chuyên kinh doanh phụ kiện trang trí nhân vật hoạt hình cho điện thoại.
Cả hai công việc đều không phù hợp với cô và Hwang cũng không thể tiếp tục làm lâu dài. Công việc cuối cùng ở một trung tâm dạy thêm được cô miêu tả “rất nhiều điều lặp đi lặp lại trên một chiếc ghế”. “Còn bây giờ, tôi hoàn toàn làm chủ cuộc sống của mình”, Hwang khẳng định.
Cô bắt đầu nhận hỗ trợ từ Chương trình Trợ cấp Thanh niên của chính quyền thành phố Seoul từ năm ngoái. Chương trình này trợ cấp thất nghiệp cho công dân từ 19 đến 34 tuổi thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình, chưa có việc làm ổn định.
Thông thường, mỗi năm quỹ sẽ chọn ra 5.000 người được nhận một khoản hỗ trợ hàng tháng trị giá 500.000 won (tương đương 9,7 triệu đồng) trong vòng 6 tháng.
Đối với Hwang, đây là cơ hội thứ hai để theo đuổi ước mơ viết tiểu thuyết của mình. Cô sử dụng số tiền hỗ trợ cho hai mục đích, một để theo học viết lách, một để chi trả cuộc sống. Nhờ vậy, cô giảm được thời gian làm thêm tại tiệm cà phê.
“Rào cản tâm lý lớn nhất mà tôi gặp phải khi từ bỏ công việc tại công ty là mất đi cảm giác kết nối với cộng đồng. Thiếu cảm giác ấy, tôi không biết phải giới thiệu bản thân như thế nào với mọi người,” Hwang tâm sự.
Hwang tại kệ sách yêu thích của cô ở trường học, nơi cô đang theo khóa Viết Sáng tạo |
Thực chất, rào cản này có thể gỡ bỏ nhờ vào những chương trình xây dựng và hỗ trợ cộng đồng tại Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên của thành phố. Cô cùng nhiều người khác tham gia vào các lớp học trị liệu và xây dựng tài năng với chủ đề trải dài từ thơ ca đến múa truyền thống châu Phi. “Tôi có thời gian để suy nghĩ, tôi cũng có một cộng đồng tin tưởng tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy tôi có thể thử một điều mới”.
Ngay cả khi còn đang học, Hwang đã cống hiến lại cho cộng đồng bằng cách phỏng vấn và viết tiểu sử cho những công dân lớn tuổi thông qua một chương trình tình nguyện của Toà thị chính.
Theo số liệu khảo sát gần đây, trong số 2.002 người hưởng trợ cấp từ năm 2017, khoảng 6% làm trong lĩnh vực sáng tạo như Hwang, 39% đã có việc làm và 2% tự thành lập doanh nghiệp.
Khác với những chương trình tương tự của Bộ Lao động và chính quyền các địa phương khác, Chương trình Trợ cấp Thanh niên của thành phố Seoul cho phép người thụ hưởng toàn quyền sử dụng số tiền hỗ trợ.
500.000 won này được gửi trực tiếp đến một thẻ tín dụng đặc biệt cấp cho người thụ hưởng. Thẻ này có thể sử dụng để rút tiền mặt hoặc thanh toán trong mọi trường hợp, ngoại trừ sòng bạc, quầy bar và khách sạn hạng sang. Trong khi đó, chương trình trợ cấp thanh niên của chính quyền trung ương lại chỉ cho phép sử dụng tiền trợ cấp cho những việc học tập được quy định sẵn và mua sách vở.
Hướng đi quan trọng hơn tốc độ
Cho dù vậy, kể từ khi được triển khai vào năm 2016 đến nay, chương trình đã nhận nhiều chỉ trích từ giới truyền thông vì tính tự quyết này. Có người cho rằng đây là một là sự lãnh phí tiền thuế. Nhiều người khác lo sợ đây sẽ mang lại một cuộc khủng hoảng đạo đức vì không khuyến khích người thụ hưởng tìm kiếm việc làm sớm nhất có thể.
Tuy nhiên, Kim Young Kyung, Giám đốc Điều hành Chính sách Thanh niên tại chính quyền thành phố Seoul, không đồng tình với ý kiến trên. “Những công dân trẻ từ 20 đến ngoài 30 tuổi tìm kiếm công việc và địa vị xã hội giúp họ có thể thực hiện quyền tự quyết của mình,” ông Kim chia sẻ. “Thay vì chuyển thẳng tiền đến các đơn vị đào tạo nghề và đơn vị tuyển dụng như các chương trình việc làm cho thanh niên khác, Chương trình Trợ cấp Thanh niên cho phép họ tự do quyết định cách mình tiêu tiền”.
Sim Kyu Hyeop là một người được hưởng trợ cấp ở cả năm 2018 và 2019, đang hoạt động trong lĩnh vực cộng đồng. Anh đang liên hệ những người hưởng trợ cấp khác để cùng nhau tổ chức những dự án cộng đồng tại khu Gangnam. “Đây là một thử thách đầy ý nghĩa đối với tôi. Trong quá trình hoạt động, tôi có cơ hội gặp nhiều cảnh đời, học hỏi từ họ và tự hoàn thiện bản thân”, Sim tâm sự.
Năm nay, anh Sim, 30 tuổi, sẽ tổ chức dự án “Hành trình tăm tối”. Những người làm dự án chiếu những tác phẩm điện ảnh về các giai đoạn đau khổ trong lịch sử Hàn Quốc, sau đó cùng nhau đến thăm những di tích lịch sử có liên quan. Sim thành lập tổ chức này với những người hưởng trợ cấp khác từ năm ngoái.
Năm vừa rồi, nhóm của anh đã đến thăm di tích tưởng niệm cuộc thảm sát ngày 3/4 trên đảo Jeju và chiến thắng cuộc thi viết cảm nghĩ được tổ chức bởi Hiệp hội Du lịch Jeju. Chủ đề năm nay nhiều khả năng sẽ là Phong trào Độc lập 1/3 để tưởng niệm tròn 100 năm sự kiện này, dẫn lời Sim.
Sim Kyu Hyeop đứng trước bức tranh tường Phong trào Độc lập 1/3 tại Bảo tàng Làng Donuimun |
Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật và tham gia nghĩa vụ quân sự, Sim đã làm nhiều công việc bán thời gian vào tất cả các ngày trong tuần để chi trả cuộc sống, trong đó có tiền thuê nhà.
“Tôi đã làm tại các cửa hàng tiện lợi, bồi bàn quán ăn, tham gia tổ chức sự kiện, lái xe quảng cáo và rải tờ rơi trên đường. Thậm chí, tôi còn làm cho một doanh nghiệp chuyên tiêu huỷ tài liệu cho những công ty chuyển trụ sở. Tôi muốn thử làm mọi việc”, Sim nói.
Số tiền 500.000 won hàng tháng được anh dùng để trả một phần tiền thuê nhà, tiện ích và mua thức ăn. Ngoài ra, anh còn dùng số tiền này để chuẩn bị lấy chứng chỉ tư vấn nghề nghiệp. Khoản hỗ trợ tài chính cho anh thêm thời gian kết nối với mọi người xung quanh và nhận tư vấn nghề nghiệp, điều tạo cho anh sự chắc chắn về tâm lý cho những dự định tương lai.
“Từ khi nhận trợ cấp, tôi chỉ còn phải đi làm vào cuối tuần. Những ngày trong tuần, tôi thường gặp gỡ bạn bè cũng như tham gia những hoạt động hỗ trợ việc làm và chương trình cộng đồng tại Trung tâm Thanh niên,” anh ấy nói. Sim hy vọng vai trò lãnh đạo tổ chức của mình lần này sẽ trui rèn và mang đến cho anh những cơ hội giúp đỡ các bạn trẻ.
Trong đoạn thông điệp video tại sự kiện định hướng cho những người mới được nhận trợ cấp thanh niên diễn ra ngày 14/5, Thị trưởng Seoul Park Won Soon khẳng định sự ủng hộ của mình đối với chương trình.
“Chương trình Trợ cấp Thanh niên của Seoul ủng hộ quyền tự quyết của bạn. Không phải tốc độ, hướng đi mới là điều quan trọng trong cuộc sống”, ông chia sẻ.
Mặc dù có mức GDP/đầu người gần 30.000 USD, việc làm cho giới trẻ là một vấn đề nghiêm trọng ở Hàn Quốc. Không như thế hệ trước sinh ra trong giai đoạn phát triển liên tục của đất nước (từ thập niên 70 đến 90 thế kỉ 20) có việc làm ngay từ khi tốt nghiệp trung học, người trẻ Hàn Quốc đang rất chật vật. Con số thanh niên thất nghiệp đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 11.5% tháng trước.