Hàn Quốc hỗ trợ hơn 75 triệu USD cho nông dân sau lệnh cấm thịt chó

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch hỗ trợ người nuôi chó chuyển đổi ngành nghề và thúc đẩy việc nhận nuôi chó trước khi lệnh cấm buôn bán thịt chó chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2027.

Gần nửa triệu con chó được nuôi để làm thực phẩm sẽ được tìm mái ấm mới, trong khi người nuôi chó sẽ nhận được các khoản trợ cấp và ưu đãi để chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang các ngành nghề khác.

Tháng 1 vừa qua, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật cấm ăn và bán thịt chó, chấm dứt truyền thống gây tranh cãi hàng thế kỷ này. Quyết định của Quốc hội Hàn Quốc nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng từ người dân xứ kim chi, đặc biệt là những người yêu động vật và quan tâm đến phúc lợi động vật.

Ông Park Beom-su, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết, chính phủ Hàn Quốc sẽ chi khoảng 100 tỷ won (75 triệu USD) để hỗ trợ người nuôi chó, nông dân và nhà hàng từ bỏ hoạt động kinh doanh thịt chó. Người nuôi chó cũng có thể nhận được tới 600.000 won (452 USD) cho mỗi con chó họ giao nộp. Chính quyền sẽ cố gắng tìm chủ mới cho những con vật này hoặc đưa chúng vào các trung tâm bảo trợ động vật.

"Mặc dù nhiều người lo ngại những con chó còn lại có thể bị giết hoặc bị giết mổ để tiêu thụ trong ba năm tới, nhưng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng đó không phải là kế hoạch của chúng tôi", ông Park nói.

Ăn thịt chó từng được coi là một cách để tăng cường sức chịu đựng trong mùa hè nóng ẩm của Hàn Quốc, song thực tế này đã trở nên hiếm hoi khi ngày càng nhiều người Hàn Quốc coi chó là vật nuôi và những chỉ trích về cách giết mổ chó ngày càng tăng.

Hàn Quốc hiện có hơn 1.500 trang trại nuôi chó và hơn 200 lò mổ chó. Khoảng 2.300 nhà hàng vẫn phục vụ thịt chó.

Tuy nhiên, kế hoạch của chính phủ cũng vấp phải sự chỉ trích từ một số nhà hoạt động vì động vật và các thành viên trong ngành công nghiệp thịt chó.

Ông Sangkyung Lee, một nhà quản lý chiến dịch tại tổ chức bảo vệ động vật Humane Society International cho rằng, mặc dù kế hoạch này đánh dấu một cột mốc quan trọng, nhưng chính quyền cần quản lý tốt hơn phúc lợi của những động vật không còn được nuôi để làm thực phẩm.

"Không có cách nào mà các trung tâm bảo trợ động vật có thể tiếp nhận số lượng chó khổng lồ đó", ông nói.

Ông Sangkyung Lee cũng lưu ý rằng chưa đến 10% vật nuôi ở Hàn Quốc là động vật được giải cứu.

Ông Ju Yeongbong, đại diện của một nhóm ngành công nghiệp thịt chó cho biết, các khoản trợ cấp của chính phủ là không đủ và tuyên bố sẽ đấu tranh để được hỗ trợ tốt hơn.

Đọc thêm