Hàn Quốc muốn sớm nâng cấp quan hệ với Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tổng thống Moon Jae-in khẳng định Hàn Quốc luôn coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong triển khai Chính sách hướng Nam mới; mong muốn hai bên sớm nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Phấn đấu kim ngạch thương mại đạt 100 tỷ USD

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thăm chính thức Hàn Quốc và dự Hội nghị Bộ trưởng Chương trình Khu vực Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) từ ngày 9 đến 11/2. Trong khuôn khổ chuyến thăm, sáng 9/2, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Tại buổi tiếp, Tổng thống Moon Jae-in hoan nghênh Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Hàn Quốc, coi đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng mở đầu cho năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc – Việt Nam. Tổng thống Moon Jae-in khẳng định Hàn Quốc luôn coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong triển khai Chính sách hướng Nam mới; mong muốn hai bên sớm nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”; đề nghị tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam, nhất là đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tài chính cũng như các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam; tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chúc mừng những thành tựu mà Hàn Quốc đã đạt được thời gian qua, nhất là vừa ứng phó hiệu quả với đại dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ với Hàn Quốc, trong đó trọng tâm là thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác chiến lược toàn diện” trong năm 2022; duy trì giao lưu và tiếp xúc cấp cao thường xuyên, tạo môi trường chính trị thuận lợi, triển khai hiệu quả các cơ chế để mở rộng hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và phục hồi sau đại dịch; phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai nước đạt 100 tỷ USD vào năm 2023; tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch, lao động, giao lưu nhân dân, phối hợp chặt chẽ trong công tác hỗ trợ công dân của nhau; tiếp tục duy trì phối hợp trên các diễn đàn đa phương.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2021 – 2024, đưa quan hệ giữa ASEAN và Hàn Quốc tiếp tục có bước tiến thực chất, hiệu quả hơn nữa; mong muốn Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục phối hợp, thể hiện lập trường tích cực trong việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý trên biển, tôn trọng tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; tiếp tục ủng hộ việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Đề nghị OECD tăng cường hợp tác với Việt Nam phát triển kinh tế số

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng lần thứ hai Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đề xuất 3 lĩnh vực hợp tác nhằm tăng cường quan hệ đối tác OECD và ASEAN trong thời gian tới.

Một là, OECD tiếp tục hỗ trợ, phối hợp tư vấn chính sách cho ASEAN và các nước khu vực trong quá trình chuyển đổi số. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị OECD và các thành viên tăng cường hỗ trợ ASEAN triển khai hiệu quả Khung tổng thể về phục hồi ASEAN, Chiến lược Cách mạng công nghiệp 4.0 ASEAN, Kế hoạch tổng thể số ASEAN đến năm 2025 và các chương trình hành động khác về chuyển đổi số. Hai là, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ số hóa, được đào tạo và tiếp cận công nghệ số, trong đó chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong chuyển đổi số, tăng cường quan hệ đối tác công-tư. Ba là, OECD tăng cường hợp tác, hỗ trợ ASEAN phát triển nền kinh tế ít carbon, thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26 hướng đến tương lai xanh hơn và bền vững hơn.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị OECD và các nước thành viên tăng cường hợp tác với Việt Nam trong phát triển kinh tế số, thực hiện Chương trình quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2030 và đạt các mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP (năm 2025) và 30% GDP (năm 2030); hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tại Lễ bế mạc Hội nghị, Australia và Việt Nam đã chính thức tiếp nhận vai trò đồng Chủ tịch Chương trình SEARP giai đoạn 2022- 2025 từ Hàn Quốc và Thái Lan.

Phát biểu ngay sau khi đảm nhận trọng trách này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn các thành viên OECD và ASEAN; khẳng định Việt Nam vinh dự được tín nhiệm lựa chọn đảm nhiệm vai trò đồng Chủ tịch Chương trình trong giai đoạn có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực. Đánh giá cao vai trò lãnh đạo và đóng góp của hai đồng Chủ tịch nhiệm kỳ 2018-2021 là Hàn Quốc và Thái Lan, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Australia, Ban Thư ký OECD và các thành viên tiếp tục thúc đẩy hoạt động của SEARP nhằm đóng góp thiết thực cho phục hồi và phát triển kinh tế khu vực, với phương châm xuyên suốt là đặt người dân ở vị trí trung tâm của phục hồi và phát triển.

Đọc thêm