Tháng 8 vừa qua, chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ phản hồi công khai bất cứ kiến nghị nào của người dân được đăng tải trên trang web của Nhà Xanh và nhận được hơn 200.000 chữ ký. Đến ngày 30/9, một kiến nghị kêu gọi hợp pháp hóa phá thai và thuốc tránh thai với lý do để đảm bảo quyền về thân thể của người phụ nữ đã được đăng tải và đến cuối tháng 10 đã nhận được 235.372 chữ ký. Do đó, trong một đoạn video được đăng tải vào cuối tháng 11, Thư ký phụ trách các vấn đề dân sự của Nhà Xanh Cho Kuk đã đưa ra phản ứng chính thức của Chính phủ.
Theo đó, ông Cho cho hay, Chính phủ Hàn Quốc trong năm tới sẽ tiến hành một cuộc nghiên cứu tìm hiểu thực tế để xác định tình trạng phá thai ở Hàn Quốc, thu thập dữ liệu về ý kiến của người dân về vấn đề này cũng như tìm hiểu về các lý do đằng sau việc cấm phá thai. Cuộc điều tra như vậy được Bộ Y tế và phúc lợi Hàn Quốc tiến hành gần đây nhất vào năm 2010. Trên tờ The Diplomat, nhà nghiên cứu Clint Work cho biết, một trong những lý do chính đằng sau nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc là sự khác biệt rõ ràng và nổi tiếng giữa văn bản luật và thực tiễn tình trạng phá thai tại Hàn Quốc cũng như cuộc tranh luận gay gắt của người dân nước này về sự cần thiết phải hợp pháp hóa việc phá thai.
Dựa trên luật chống phá thai năm 1953, phá thai được xác định là một tội danh theo Điều 269, khoản I của Bộ luật hình sự Hàn Quốc. Nhiều năm sau đó, Điều 14 của Luật bà mẹ và trẻ em đã đưa ra 1 số ngoại lệ nhất định, theo đó quy định việc phá thai chỉ được phép trong trường hợp bị hãm hiếp, loạn luân, rối loạn di truyền hoặc có nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe của người mẹ. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, việc phá thai vẫn bị cấm sau tuần 24 của thai kỳ. Thêm vào đó, luật cũng yêu cầu người phụ nữ phải nhận được sự đồng ý của chồng hoặc người phối ngẫu – một quy định không chỉ hạn chế quyền tự chủ của cá nhân mà còn khiến việc phá thai hợp pháp của người phụ nữ trở nên khó khăn hơn.
Theo luật, người phụ nữ phá thai bất hợp pháp bằng thuốc hoặc một số phương pháp khác sẽ phải đối mặt với án tù 1 năm hoặc bị phạt tiền 1.837 USD. Những người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hỗ trợ người phụ nữ phá thai cũng có thể bị phạt tù hoặc phạt tiền. Song, trên thực tế, phần lớn phụ nữ tại Hàn Quốc vẫn phá thai và đa phần là phá thai bất hợp pháp. Nghiên cứu được Chính phủ Hàn Quốc thực hiện năm 2010 ước tính hơn 169.000 ca phá thai được thực hiện mỗi năm nhưng chỉ có 18.000 trường hợp (tương đương 6%) là hợp pháp và chỉ có chưa đến 10 người bị truy tố mỗi năm. Số người bị phạt còn thấp hơn nhiều. Các nghiên cứu khác còn đưa ra con số phá thai lớn hơn nhiều. Ví dụ, Đại học sản phụ khoa Hàn Quốc cho rằng mỗi ngày có đến 3.000 ca phá thai diễn ra, tương đương khoảng 1 triệu ca/năm.
Trước thực trạng này, Thư ký phụ trách các vấn đề dân sự của Nhà Xanh Cho Kuk cũng thừa nhận, luật đang khiến việc phá thai ở Hàn Quốc không chỉ trở nên đắt đỏ hơn mà còn nguy hiểm hơn. Quy định này cũng khiến luật pháp Hàn Quốc đi ngược lại với đa số các nước trong nhóm OECD. Thêm vào đó, luật còn không tính đến gánh nặng kinh tế - xã hội của việc có thêm con khi các nghiên cứu cho thấy có đến hơn 1 nửa phụ nữ Hàn Quốc phá thai vì lý do này. Trong đoạn video dài 10 phút, ông Cho cho biết vấn đề này sẽ được Chính phủ Hàn Quốc xem xét một cách thấu đáo. Song, bất kỳ đề xuất thay đổi nào dự kiến sẽ đều vấp phải phản ứng gay gắt từ các nhóm ủng hộ cấm phá thai tại Hàn Quốc.